Labels

Entri Populer

Nguyệt On Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Làm lại OVA năm 1996, Birdy the mighty Decode về mặt nào đó có thể nói thành công hơn so với tác phẩm gốc của mình. Nội dung phim kể về một nữ thanh tra của Liên minh tại hành tinh Altan tên là Birdy. Trong một lần đuổi bắt tội phạm đến Trái đất, cô vô tình giết chết một học sinh trung học là Tsutomu Senkawa. Thay vì chết đi, linh hồn Tsutomu sát nhập vào cơ thể Birdy cho đến khi cơ thể của cậu gửi về Altan được sửa chữa xong. Tuy nhiên bài viết dưới đây chỉ nói về phần 2 của anime này. Nếu như season 1 không có gì đặc biệt, là một anime bình thường và thiếu điểm nhấn thì season 2 có những tố chất vượt trội và đáng xem hơn hẳn.
  • Tên: Tetsuwan Birdy Decode: 02 (Birdy the Mighty Decode: 02)
  • Năm phát hành: 2009
  • Studio: A-1 Pictures
  • Số tập: 12
  • Rating (Anidb) 6.87; (Myanimelist) 7.87
Câu chuyện diễn ra một tháng sau những sự kiện ở phần 1, Birdy và Tsutomu vẫn sống chung trong một cơ thể. Tuy nhiên một nhóm tội phạm đã đánh cắp Ryunka và có ý định thử nghiệm nó một lần nữa trên Trái đất. Birdy được giao nhiệm vụ bắt giữ họ và lật tẩy âm mưu của thế lực đằng sau nhóm người này. Mọi chuyện bắt đầu trở nên khó khăn hơn khi cô phát hiện ra mối liên quan giữa những người quen cũ với sự việc lần này.

Nội dung của phần 2 có quy mô nhỏ hơn nhiều so với phần trước đó, thay vì cứu thế giới ra khỏi thảm họa gây ra bởi Ryunka thì Birdy the Mighty Decode 02 là câu chuyện về sự trả thù của một cá nhân. Song một cốt truyện hay không nhất thiết cứ phải hoành tráng, to tát, liên quan đến hòa bình thế giới mà biết cách biến những chi tiết tầm thường, đơn giản trở nên đáng nhớ nhất. Anime hi sinh bề rộng để nhấn mạnh bề sâu, đó là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Bộ phim khai thác quá khứ của Birdy và đào sâu vào tâm lí nhân vật, phác họa lại những sự kiện chấn động trước đây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách và động cơ của từng người trong họ. Anime trình bày mọi thứ một cách gọn ghẽ, rõ ràng, đan xen mạch lạc giữa quá khứ và hiện tại. 

Birdy the Mighty Decode 02 cũng cân bằng tốt hơn những yếu tố slice of life, action, drama, comedy và romance so với phần 1. Kể cả bạn bè của Tsutomu không có vai trò gì trong cốt truyện nhưng luôn có slice of life vừa đủ về CLB, lễ hội trường, quay phim thực tế… để họ không bị mờ nhạt. Nhịp phim cũng nhanh và lôi cuốn hơn với nhiều cao trào, mặc dù tính emotional impact không cao. Vấn đề duy nhất của nó là cách giải quyết vấn đề hơi cụt lủn, tập cuối trình bày vội vã, vẫn còn đó một số chi tiết chưa được giải thích hết. Ngoài ra tập 8 Falling in love with love chủ yếu trình bày comedy là chính không thực sự cần thiết trong cốt truyện.
Cốt truyện thu hẹp cũng đồng nghĩa với số lượng nhân vật ít đi, tuy nhiên anime đã giới thiệu các nhân vật mới và họ đặc sắc hơn rất nhiều so với phần 1. Ở Birdy the Mighty decode 2 không có vai phản diện khuôn mẫu, không phải một kẻ huênh hoang sức mạnh đầy mình và muốn thống trị thế giới, mà là những con người thực tế, hoàn toàn có thể cảm thông được. Nhờ việc khai thác mạnh mẽ quá khứ và tâm lí nhân vật, anime đã tạo ra những cá tính chân thật, có động cơ và thay đổi cảm xúc thuyết phục. Người mà mình muốn nhắc đến ở đây là Nataru, một vai diễn đáng nhớ và có chiều sâu. Anh thực sự là trung tâm của anime và đặc biệt tạo nên yếu tố romance cuốn hút cho tác phẩm này. Đáng tiếc là tâm lí của Nataru trong tập cuối thay đổi quá nhanh làm cho kết phim trở nên hụt hẫng.

Khác với phần một tập trung vào Tsutomu thì phần hai là đất diễn của Birdy. Cô được khai thác sâu hơn từ những mối quan hệ và sự kiện trong quá khứ, đồng thời thể hiện khá tốt mâu thuẫn nội tâm ở hiện tại. Tuy nhiên điểm trừ lớn nhất ở nhân vật này là thiếu biểu cảm cảm xúc lãng mạn. Những dấu hiệu tình yêu ở Birdy hết sức mờ nhạt khiến người xem khó đồng cảm được. Thay vào đó, Tsutomu có những biểu hiện tích cực hơn rất nhiều so với phần một cho dù thời lượng lên hình ít đi. Sau những sự kiện trước đây, cậu trở nên chín chắn, trưởng thành và thấu hiểu Birdy nhiều hơn. Các nhân vật phụ vẫn giữ vai trò bổ trợ hiệu quả như Dusk, Viollin, Keisuke, Shouko…
Về mặt hình ảnh, đây là điểm hit or miss của anime này. Bạn có thể nghĩ rằng đồ họa rất sơ sài, xuống cấp nặng nề hoặc thấy nó hết sức độc đáo và ấn tượng, và mình thì theo ý thứ hai. Điều đầu tiên phải nói là Birdy the Mighty Decode có ngân sách làm phim trung bình, không khủng nhưng cũng không phải thiếu thốn gì. Tuy nhiên đôi khi phần hình ảnh rất kém chi tiết, vẽ nhân vật đơn giản, cảnh nền ít được đầu tư. Nhất là có những cảnh đổ nát trông rất cẩu thả, không thấy rõ cả hình dạng đồ vật mà giống một đống đất nhiều màu. Vậy những người làm phim đổ tiền đi đâu? Đó là animation (movement) và frame hình. Birdy the Mighty Decode 02 nặng về yếu tố action, vì vậy đầu tư vào chuyển động, biểu cảm nhân vật có tác động rất mạnh hơn là độ chi tiết. Trong đó tập 7 và 12 phải nói là ngoạn mục, thần thánh, đưa anime lên một tầm cao mới của phim hành động.

Mình khẳng định đây là bộ có những pha hành động, đặc biệt là trận đánh tay đôi ấn tượng nhất trong số những anime từng xem. Thực ra viết bài này chỉ nhằm khen nó mà thôi. Ngoài những cảnh action tỏa sáng ở hai tập trên thì số còn lại không kéo dài. Tất cả các trận đánh đều có diễn biến gọn lẹ cho thấy cuộc chiến nghiêng hẳn về một phía và nhấn mạnh sức mạnh ghê gớm của đối thủ. Điều đáng nói là những người thực hiện không sợ phải trình chiếu những cảnh đánh đập bạo lực, không cần bất kì thủ thuật gì che giấu sự giết chóc. Tuy nhiên họ không cố hù dọa người xem bằng máu me lai láng, mà làm chúng ta khiếp sợ vì cảm nhận được sự tàn bạo và đau đớn bằng tiếng hét của nạn nhân, bằng những cú dứt điểm nhanh gọn được tung ra khi chưa kịp nhìn thấy.

Những cảnh hành động trong tập 7 và tập 12 thì thời lượng dài hơn tương đương với một trận chiến cân sức. Càng về sau đồ họa càng trở nên lộn xộn, méo mó khiến nhiều người xem khó chịu nhưng thực ra là cố ý. Tất cả đúng với góc nhìn của người thứ ba khi cố gắng theo dõi một cuộc chiến mãnh liệt. Chi tiết càng tối giản thì animation lại càng tăng, người xem chỉ nhìn thấy các nhân vật chuyển động cực kì nhanh và dồn dập đến mức không thể hình dung ra các động tác chiêu thức. Nhân vật thì luôn bị lệch về một phía khung hình. Tất cả nhằm tạo cảm giác máy quay/mắt không thể theo kịp. Trên màn hình là một khối hỗn loạn và anime chỉ thể hiện cơ bản những gì đang diễn ra, lược bỏ hết mọi chi tiết rườm rà, nhấn mạnh đây là cuộc chiến giữa hai siêu chiến binh chứ không phải người thường, người ngoài không thể nắm bắt được. Từ góc quay, lia máy, khói bụi, gạch vỡ đến hiệu ứng lóe sáng… đều được tính toán và có chủ ý.

Còn khi diễn tả bằng góc nhìn thứ nhất, anime sử dụng cực kì ít chuyển động chậm slow motion thường thấy để khán giả nhìn rõ chiêu thức và nét mặt nhân vật. Thay vào đó, nó nhấn mạnh sự bất ngờ bằng cách đổ ập những đòn tấn công lên màn hình. Background hết sức ẩu và hoàn toàn lộn xộn, cho thấy khi chiến đấu người ta không quan tâm đến đất đá xung quanh mà tập trung vào đối thủ. Khuôn mặt nhân vật bị bóp méo thể hiện sự tức giận và biến dạng cả về thể chất và tinh thần. Càng lãnh nhiều cú đánh thì những đau đớn và chấn động tâm lí khiến chúng ta nhìn đối thủ càng méo mó. Còn khi lấy lại được bình tĩnh thì hình ảnh bắt đầu sắc nét trở lại. Anime cố gắng lột tả cảm giác chiến đấu chân thực nhất cho người xem mà không cần đồ họa hoành tráng lung linh. Cái cách mà những người làm phim phô diễn các cảnh action có thể khiến nhiều anime hành động bom tấn phải xấu hổ.

Góp phần đưa những cảnh phim này trở nên ấn tượng đó chính là âm thanh. Thường thì trong anime cứ đến những đoạn cao trào, âm nhạc lại hùng hồn vang lên tạo cảm giác tầm vóc mạnh mẽ và có khi bị lạm dụng quá đà. Tuy nhiên một cảnh phim có thể được thể hiện tốt mà không cần yếu tố này. Bằng chứng là những cảnh hành động trong Birdy the Mighty Decode 02 để nhạc nền rất nhỏ. Thay vào đó, anime tăng âm lượng của tiếng động từ sự sụp đổ, nhân vật di chuyển cho đến cú đấm lao vút trong không khí, tất cả nghe rõ ràng tạo cảm giác rất thực về cuộc chiến. Phần này cũng sử dụng nhiều bài nhạc giao hưởng hay hơn, OP và ED đều đáng nhớ hơn phần một. Tuy nhiên âm nhạc vẫn khá lặp và chưa thực sự đặc sắc.

Về phần lồng tiếng, các diễn viên nhìn chung đã làm tròn vai của mình. Nổi bật là Saeko Chiba trong vai Birdy đã tạo ra giọng nói rất đặc trưng cho nhân cách Shion Arita, tuy nhiên khi trở về hình dạng Birdy thì lại hơi ngang và thiếu biểu cảm. Có những cảnh phim Birdy và Tsutomu cùng đồng thanh thì hai diễn viên đều thể hiện khá tốt.

Birdy the Mighty Decode được Kazuki Akane đạo diễn. Những tác phẩm của ông như The vision of Escaflowne, Noein, Heat Guy J… đều có kịch bản được đầu tư, âm nhạc hay và mang phong cách làm phim độc đáo riêng. Birdy the Mighty Decode cũng không là ngoại lệ. Mình đặc biệt recommend anime này cho những ai thích thể loại hành động, nếu chịu được kiểu đồ họa tương tự như của Yuasa Masaaki (Ping Pong: The Animation, The tatami galaxy, Kaiba) thì nên cho bộ này một cơ hội.
Overall: 7.5
Người viết: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Được tạo bởi Blogger.