Labels

Entri Populer

Archive for tháng 3 2016

TOP 10 ANIME HAY NHẤT VỀ SAMURAI

Từ lâu, samurai đã trở thành một biểu tượng đẹp của đất nước Nhật Bản. Hình tượng các võ sĩ đạo với khả năng kiếm thuật điêu luyện, lòng trung thành tuyệt đối và trọng danh dự là nguồn cảm hứng của biết bao tác phẩm điện ảnh từ xưa đến nay. Khi nhắc đến đề tài này thì người ta thường sẽ nhớ đến đầu tiên tới những kiệt tác kinh điển của đạo diễn Akira Kurosawa như The seven samurai, Ran, Yojimbo, Rashomon… Vậy trong thế giới anime thì có những bộ phim nào đáng xem về samurai? Hãy cùng tìm hiểu với TopTenHazy nhé.

10. Shura no Toki

Truyền thuyết kể rằng có một phái võ tên là Mustu Enmei có thể đánh bại bất kì đối thủ nào bằng tay không. Tuy nhiên không có ai chứng thực được lời đồn đó, cho đến khi những thế hệ Mutsu xuất hiện trong những trận tranh tài với các kiếm sĩ nổi tiếng trong thời đại của họ. Chuyển thể từ manga của Masatoshi Kawahara, nhân vật chính của Shura no Toki là một môn võ, nhưng bên cạnh đó anime đã phác họa hình ảnh rất nhiều samurai lừng lẫy trong lịch sử Nhật Bản như Musashi Miyamoto, Jubei Yagyu, Okita Souji, Toshizo Hijikata… Không chỉ sở hữu những trận đánh long trời lở đất, anime còn khắc họa văn hóa võ sĩ đạo và những biến cố trong một giai đoạn sóng gió nhất lịch sử Nhật Bản.

9. Katanagatari

Đúng như tiêu đề của nó – Đao Ngữ, Katanagatari là một câu chuyện về đao. Anime xoay quanh cuộc hành trình đi thu thập 12 thanh kiếm huyền thoại của kỳ nữ Togame cùng trưởng môn đời thứ bảy của phái Kyotou là Yasuri Shichika. Nội dung không có gì đặc biệt, mỗi tập phim họ phải thi đấu với mỗi đối thủ khác nhau và cứ như vậy cho đến khi đủ 12 thanh kiếm báu. Tuy nhiên những gì Katanagatari cho người xem trải nghiệm lại thú vị hơn nhiều. Đậm chất Shaft với phong cách art độc đáo và những màn hội thoại không có điểm dừng, Katanagatari đã tái hiện thành công light novel của Nisio Ishin, đem đến một câu chuyện xúc động và lôi cuốn về những con người sống cùng kiếm đạo.

8. Samurai 7

Dựa trên bộ phim huyền thoại The seven samurai, điều tuyệt vời nhất của anime samurai 7 là giữ được trọn vẹn tinh thần kiệt tác của Akira Kurosawa, vừa mang bản sắc riêng không mang tính chất rập khuôn nguyên tác. Câu chuyện diễn ra trong một thế giới giả tưởng, nông dân làng Kanna không chịu đựng được chế độ Nobuseri hà khắc, đã thuê các samurai để bảo vệ ngôi làng khỏi bọn cướp bóc tàn ác. Bảy samurai, bảy cá tính khác biệt, người theo đuổi lí tưởng võ sĩ đạo, kẻ trả nợ quá khứ, nhưng tất cả mang trên mình thanh gươm của lòng dũng cảm và kiêu hãnh. Tỏa sáng hơn cả cốt truyện có chiều sâu và bối cảnh thú vị, chính những nhân vật này là linh hồn của tác phẩm, làm nên giá trị khó quên ở Samurai 7.

7. Afro samurai

Nội dung anime kể về một kiếm sĩ tên là Afro trên đường trả thù Đệ nhất, người mạnh nhất thế giới và cũng là kẻ đã giết hại cha mình. Afro samurai không sở hữu một cốt truyện mới lạ, nhưng những gì bạn mong đợi ở một bộ action đã đời đều hội tụ ở bộ phim này. Bi tráng, máu me, quyến rũ, Afro samurai đưa người xem vào thế giới của những cuộc chiến đẫm máu không có hồi kết. Với phong cách animation độc đáo và tạo hình nhân vật kì lạ, những người thực hiện đã tạo ra một bối cảnh thú vị cho Afro samurai, xóa nhòa ranh giới giữa lịch sử và giả tưởng. Sự kết hợp giữa truyền thống Nhật Bản và nét hiện đại của phương Tây đã làm nên sức hút khó chối từ của tác phẩm này.

6. Sword of the stranger

Sở hữu những màn giao đấu bi tráng mãnh liệt có một không hai trong lịch sử, không ngoa khi nói rằng Sword of the stranger đã chạm đến đỉnh cao của action anime. Bộ phim là cuộc hành trình của cậu bé Kotarou cùng một ronin vô danh chạy trốn khỏi sự truy sát của Hoàng đế nhà Minh. Sword of the stranger đã đưa anime hành động lên một tầm cao nhờ sự xuất sắc trong việc khắc họa các cuộc chiến. Kĩ thuật animation vượt trội sẽ cho bạn những trải nghiệm thị giác chưa từng có và bị choáng ngợp trước mức độ kịch tính đến sởn da gà của những trận đấu. Sẽ rất khó để tìm ra một siêu phẩm hành động tương đương với sự thể hiện quá ư xuất sắc của tác phẩm này.

5. House of five leaves

Nhân vật chính bộ phim là Masanosuke Akitsu, một kiếm sĩ xuất chúng nhận làm vệ sĩ cho Yaichi, thủ lĩnh của một băng vô pháp được gọi là “Five leaves”. Anh bắt đầu nghi ngờ động cơ của Yaichi nhưng đồng thời cũng ngày càng bị lún sâu vào những hoạt động của nhóm người này. Rất ít cảnh hành động, đồ họa kì lạ và nhịp phim chậm chạp hết sức, House of five leaves gần như có đủ mọi thứ để xua đuổi người xem. Vậy nó có điểm đặc sắc gì? Đó là bối cảnh lịch sử, sự mộc mạc, tính truyền thống và những chi tiết drama cuốn hút đan xen với nhau một cách hài hòa. Cùng với đó, cốt truyện trưởng thành và dàn nhân vật đáng nhớ là những lí do bạn nên cho tác phẩm này một cơ hội.

4. Hyouge Mono

Nếu bạn muốn giới thiệu cho ai đó về đề tài samurai Nhật Bản thì Hyouge Mono là một ứng cử sáng giá. Sẽ có khá nhiều anime fan khó có thể cảm thụ được bộ phim này, nhưng với những ai quan tâm đến thời kì Sengoku Nhật Bản thì đây là một tác phẩm khó lòng bỏ qua. Câu chuyện theo chân Furuta Sasuke, một chư hầu của lãnh chúa Oda Nobunaga bị ám ảnh với nghệ thuật và cái đẹp, đặc biệt là trà đạo. Hyouge Mono không phải là anime về cuộc chiến giữa các gia tộc trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Nhật Bản, mà là cuộc chiến của lòng người, một chiến binh mang trên tay thanh gươm hủy diệt nhưng cũng là một nhà mỹ học hết mực tôn sùng cái đẹp và sự sáng tạo.

3. Shigurui: Death frenzy

Nhiều người sẽ cho rằng Shigurui không hơn một bộ phim nặng nề nhàm chán, lấy bạo lực máu me để che đậy câu chuyện trả thù vô nghĩa. Những người khác lại coi đây là một tác phẩm xuất sắc về samurai với sự thể hiện đầy ám ảnh trong âm thanh, hình ảnh và nhịp phim. Có thể thấy Shigurui để lại nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không ai có thể phủ nhận sự thành công của nó trong việc khắc họa một thế giới tàn bạo, tăm tối và đầy thù hận. Câu chuyện bắt đầu bằng một cuộc thi kiếm thuật do lãnh chúa Tokugawa tổ chức vào năm Kanei thứ 6. Tại đó, tất thảy mọi người đều bị ấn tượng bởi hai kiếm khách kì dị, nhưng ít ai biết giữa họ có một mối thù vô cùng sâu sắc.

2. Samurai champloo

Bạn đã bao giờ nghĩ đến sự kết hợp giữa samurai và hip-hop, hay lịch sử Edo với bóng chày phương Tây? Nếu chưa thì còn ngần ngại gì không thử những trải nghiệm kì thú đó trong Samurai champloo. Nội dung anime xoay quanh ba người không hề quen biết nhau Mugen, Fuu và Jin. Một tình huống trớ trêu đã khiến họ gặp nhau và cùng lên đường rong ruổi khắp Nhật Bản để đi tìm một người samurai có mùi hoa hướng dương. Samurai chamloo không phải một bộ tư liệu về lịch sử Nhật Bản, càng không phải tác phẩm miêu tả hay ngợi ca võ sĩ đạo. Mà hơn cả, điểm nổi bật nhất của anime này đó là phong cách, là nơi bộc lộ cái tôi và sự sáng tạo kì khôi của đạo diễn Shinichiro Watanabe.

1. Rurouni Kenshin: Trust & Betrayal

Khi nói đến những anime tiêu biểu nhất về đề tài samurai thì Tv series Rurouni Kenshin sẽ là cái tên hiện lên đầu tiên trong suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên tác phẩm xuất sắc nhất về chàng kiếm sĩ Kenshin này đó là OVA Rurouni Kenshin: Trust & Betrayal. Câu chuyện bắt đầu khi Hiko Seijuro, một kiếm sĩ thang lang cứu một đứa trẻ sống sót duy nhất trong một ngôi làng bị bọn cướp tấn công. Anh đặt tên cho cậu là Kenshin và dạy kiếm thuật phái Hiten Mitsurugi. Khắc họa cuộc đấu tranh giữa lí tưởng và thực tại khắc nghiệt, anime là câu chuyện buồn và tăm tối nhất về quá khứ của Kenshin dưới mệnh danh người sát thủ khét tiếng thời Meiji Nhật Bản: Hitokiri Battousai.
Bạn biết anime nào hay hơn xứng đáng xuất hiện trong top này, hãy để lại bình luận và chia sẻ lí do tại sao nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

ANIME REVIEW: YU YU HAKUSHO

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016
Posted by Nguyệt
Shounen có thể nói là thể loại anime được ưa chuộng nhất, nổi tiếng nhất nhưng đồng thời cũng thường không được đánh giá cao. Số lượng anime lớn nhưng chất lượng tầm trung, chủ yếu phô diễn các cảnh hành động là một trong những lí do thể loại shounen phù hợp với đối tượng khán giả thanh thiếu niên, nhưng lại gặp phải cái nhìn khắt khe của những gu xem phim trưởng thành. Song thể loại này cũng không thiếu các tác phẩm nổi bật, tiếu biểu là Yu Yu Hakusho.
  • Tên: Yu Yu Hakusho (Ghost files/Yuu Yuu Hakusho)
  • Studio: Pierrot
  • Năm phát hành: 1992
  • Số tập: 112
  • Rating: (Anidb) 8.06; (Myanimelist) 8.46
Nội dung anime kể về Yusuke Urameshi bị chết do tai nạn ô tô trong khi cố gắng cứu một đứa bé. Tuy nhiên đây chưa phải là ngày tử của cậu mà hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của Koenma, con trai người cai quản linh giới. Vì vậy Yusuke được trao một cơ hội hồi sinh sau khi hoàn thành thử thách đưa ra. Từ đó cậu có khả năng nhìn thấy yêu quái và các hiện tượng siêu nhiên. Cậu đồng ý trở thành thám tử linh giới để điều tra các vụ việc liên quan đến những yêu quái muốn làm hại con người.

Manga Yu Yu Hakusho có cùng tác giả với Hunter x Hunter (HxH), vốn là hai tác phẩm lớn và thành công nhất Togashi Yoshihiro. Vì vậy bài viết có một ít so sánh. Ở Yu Yu Hakusho có ba thế giới song song, đó là Ningenkai (Nhân giới nơi con người sống); Reikai (Linh giới, nơi người sau khi chết đến và được đầu thai tương tự như thiên đường) và Makai (Ma giới, tầng sâu nhất dành cho yêu quái). Mặc dù kết cấu không gian khá hợp lí nhưng đôi khi tác phẩm vẫn có các tiểu tiết chưa thực sự nhất quán về ba giới này. Có thể thấy bối cảnh không có gì mới, thậm chí rất hay bị so với Dragon Ball và Bleach vì có nhiều điểm tương đồng. Vậy điều đặc biệt hơn của Yu Yu Hashuko ở chỗ nào?

Yu Yu Hakusho trung thành với manga và hoàn toàn không có filler, đó là một điểm cộng to lớn. Anime thay đổi rất ít so với nguyên tác, giữ nguyên cả mức độ bạo lực, chửi tục cho đến thiết kế nhân vật. Các trận chiến không bị kéo dài lê thê, ít khi dài hơn 1-2 tập câu giờ như các anime shounen khác. Nó cũng không bị chế thêm filler ngoài lề lan man mà chạy thẳng một mạch 112 tập phim. Thế nhưng anime vẫn có đủ các tập hài hước nhẹ nhàng để chuyển arc tự nhiên, không làm khán giả cảm thấy đột ngột. Kết thúc arc này sẽ có hint sự kiện để mở ra arc khác. Hết Spirit Detective Saga thì Yusuke được hẹn tái đấu trong một cuộc thi ở Ma giới, đó chính là nội dung Dark Tournament Saga. Đến cuối arc này mục đích của nhân vật phản diện bị phá hoại nhưng được tiếp quản bởi một người khác, từ đó chuyển sang arc 3 với vai phản diện mới. Như vậy các arc luôn có sự liên kết chặt chẽ chứ không phải hết là hết luôn như những anime khác.

Góp công lớn đưa Yu Yu Hakusho vượt lên các anime shounen thông thường đó là tính chiến thuật. Các nhân vật chính không phải những kẻ thiếu suy nghĩ, chỉ chăm chăm lao vào đánh nhau mà không cần biết làm thế nào để thắng. Một khi yếu thế trước đối thủ thì cách duy nhất đó là động não hoặc trông chờ may mắn. Song không nhiều anime shounen hiểu được điều này ngoài một số bộ như Jojo’s bizarre adventure, HxH, Fullmetal alchemist, Claymore... Trong Yu Yu Hakusho mọi trận đấu ít nhiều đều có tính toán nên mạnh chưa chắc đã thắng, yếu chưa chắc đã thua. Cả phe địch hay phe ta đều phải cân nhắc, mưu mẹo trước các cuộc chiến sống còn. Vì vậy họ thắng bằng năng lực, bằng sự khôn ngoan chứ không phải võ mồm, độ dai sức, buff niềm tin hay đại loại thế.

Một ưu điểm nữa đó là hệ thống chiêu thức, kĩ năng trong Yu Yu Hakusho khá đa dạng và thú vị. Nó không được chặt chẽ sáng tạo như HxH nhưng đủ để hấp dẫn người xem. Có những cái chúng ta nhẵn mặt như năng lực theo nguyên tố vật chất Mộc, Thủy, Hỏa, Băng, Phong… hay theo Tứ linh Rồng, Hổ, Rùa, Phượng. Nhưng cũng có những kiểu khá mới lạ như cộng sinh (Toguro anh), Yo yo (Rinku), uống rượu (Chu), bắn xúc xắc (Kaname), tạo virut (Minoru), ăn năng lực (Sadao)…

Tuy Yu Yu Hakusho là một anime rất khá, nhưng không xuất sắc. Nó vẫn không tránh khỏi hạn chế chung của thể loại shounen và lỗ hổng trong cốt truyện, đơn cử như:
  • Sức mạnh niềm tin: Tuy rất ít nhưng không phải không có. Nhân vật chính sẽ tự nhiên mạnh lên, giải phóng sức mạnh tiềm ẩn khi chứng kiến bạn bè bị tổn thương. Luôn có khả năng bí ẩn nào đó khiến anh ta dù thập tử nhất sinh, cạn kiệt năng lượng nhưng vài phút sau vẫn có thể chiến đấu trở lại.
  • Bình luận viên: Khi hai người đang đánh nhau thì số còn lại sẽ đứng xổ văn. Nhiệm vụ của họ là tường thuật chi li mọi chiêu thức, động thái trong trận chiến và bơm cho nhân vật chính càng nguy hiểm càng tốt. “Anh ta từng đánh bại X”; “Thật không may cho kẻ nào gặp phải hắn”… Vì điều này mà nhiều nhân vật có cảm giác rất mạnh nhưng thực chiến thì lại không như mong đợi như Hiei, Kurama, Yomi…
  • Đánh 1-1: Hai đánh một không chột cũng què, rõ ràng đánh hội đồng lợi thế hơn hẳn tay đôi. Ngoại trừ nhiều tình huống được hợp lí hóa như thi đấu bắt buộc theo luật thì các trận chiến còn lại đều đánh trùm để cứu thế giới. Các nhân vật chính cũng chả phải thượng võ gì nên không có lí do họ phải 1-1 với những đối thủ mạnh gấp nhiều lần.
  • Happy end: Phe địch thì có thể chết như ve sầu mùa đông, còn phe ta thì cùng lắm là hấp hối, thậm chí chết rồi còn được hồi sinh. Cách giải quyết happy end cả nhà đều vui làm mất đi kịch tính cũng như tính dark của câu chuyện vì người xem biết trước là sẽ không có thương vong.
  • “Ngươi đã chết rồi”: Để có B thì phải có A, để có kết quả thì phải hint sự kiện dẫn tới kết quả đó. Khi một người sắp thắng thì người còn lại bỗng lật kèo “Lúc nãy ta đã gắn mầm cây độc vào cơ thể ngươi”, trong khi các cảnh phim trước không hề có dấu hiệu hành động này. Cứ thế tác giả muốn anh ta thắng bất cứ lúc nào cũng được và rõ ràng cách này không thể thuyết phục được người xem.
  • Buff Main: Từ đầu Yusuke khá yếu nhưng tiến bộ khủng khiếp. Mặc dù điều này được giải thích khá hợp lí do thân thế của cậu nhưng vẫn khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Anime còn có kiểu buff hàng khá thốn, đó là sau khi nhân vật chính bao phen lên bờ xuống ruộng để thắng, người xem phấn khởi chuẩn bị kết phim thì đối thủ tặng cho một câu: “Không ngờ cậu lại vượt qua được 50% sức mạnh của ta, giờ ta sẽ tăng lên 70%.” ???
Câu chuyện được chia thành bốn arc lớn có nội dung riêng biệt nhưng thống nhất với nhau dựa trên một sườn chung tương đối hoàn chỉnh. Thông thường anime shounen có rất nhiều arc và sự kiện khác nhau, nhưng mục đích và cấu trúc lại giống nhau. Ví dụ như Fairy Tail đi theo hướng khai thác quá khứ nhân vật từ Gray, Lucy, Loke, Erza, Windy… Mỗi arc sẽ đối đầu với một kẻ thù cụ thể, đánh thắng xong thì hết arc, cứ theo motip rập khuôn như thế cho đến cuối phim. Còn trong Yu Yu Hakusho thì không có một công thức chung mà các chương độc lập nhau; cốt truyện còn ngày càng sâu rộng và thú vị hơn. Vì sự biến hóa đó nên người xem không cảm thấy nhàm chán.

Spirit Detective Saga: Phần này giới thiệu nhân vật, bối cảnh và kể về cuộc gặp gỡ của các nhân vật chính. Nó mang sắc thái tương tự với arc Hunter Exam trong HxH (Yusuke tham gia tuyển chọn đệ tử của Genkai và làm các nhiệm vụ của thám tử linh giới). Đây cũng là giai đoạn build-up, luyện tập của nhân vật chính nên không có nhiều sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên một điểm cộng là những hé lộ có chiều sâu về Kurama.

Dark Tournament Saga: Bốn nhân vật chính tham gia một cuộc thi đấu ở Ma giới, hình thức khá giống với arc Heavens Arena của HxH. Đây là phần dài nhất nhưng hoàn thiện nhất trong toàn bộ anime. Phần mở đầu rất tốt liên kết với arc trước đó, tạo được không khí nguy hiểm cũng như tính chất tàn bạo của giải đấu. Diễn biến phim mạch lạc, pacing cân đối, cốt truyện đi đúng trọng tâm, không bị lộn xộn một số đoạn như các arc khác. Có những trận đấu đáng nhớ bởi các nhân vật như Kurama, Hiei, Genkai thể hiện được tiềm lực thật sự và các đối thủ cũng bộc lộ nhiều năng lực thú vị. Arc này cũng có kết thúc hay nhất.

Chapter Black Saga: Đây là phần dark nhất, có chiều sâu nhất và vai phản diện xuất sắc nhất trong anime, tương ứng với arc Chimera Ant trong HxH. Nội dung của Chapter Black Saga khá ám ảnh, có nhiều phân đoạn ấn tượng như trận đấu với bác sĩ điên, tiết lộ về cuốn băng đen và con người thật sự của nhân vật phản diện Sensui. Tuy nhiên pacing lại không ổn, phần đầu hơi rề rà theo kiểu giải quyết đám tôm tép rồi mới đến boss, nên tình tiết khá lặp với arc trước vốn đánh nhau rất nhiều. Phần cuối thì hội thoại nhiều và trận đấu với Sensui dài, làm giảm đi tính chất cấp bách của tình huống. Điểm trừ lớn nhất đó là cái kết Deus ex machina. Khi Yusuke không thể thắng nổi Sensui vì anh ta được buff quá mạnh, thì xuất hiện một nhân vật thứ ba từ trên trời rơi xuống giúp cậu giải quyết vấn đề. Cách xử lí này xứng đáng bị ném đá dù ở bất kì series nào.

Three Kings Saga: Arc này khởi đầu rất thuận lợi tương tự với 13th Hunter Chairman Election trong HxH. Khâu build-up tốt gây ấn tượng về một cuộc tranh giành quyền lực kiểu Tam quốc diễn nghĩa khá hoành tráng. Tiềm năng của nó có thể nói là phần hấp dẫn nhất trong anime, cho đến khi tác giả dường như thiếu thời gian và không thể nghĩ ra cách xử lí nào tốt hơn vì lỡ build-up quá sâu, nên lựa chọn cách giải quyết rất thừa thãi, trùng lặp với arc 2 và làm tụt climax. Nó giống như việc Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành quyền bá chủ thế giới bằng một trận World cup. Khi khán giả đang chờ đợi một cuộc chiến hùng hồn, bi tráng thì họ nhận được một giải đấu giao hữu thân ái, ôn hòa. Chiến tranh giữa ba vương quốc như một cái cớ để tổ chức thi thố, vừa làm mất đi kịch tính vừa làm cái kết bị rush, biến Three Kings Saga thành arc kém nhất trong anime. Điểm sáng duy nhất ở phần này là tăng chiều sâu và phát triển một số nhân vật, đặc biệt là Hiei.
Ra đời trước nên Yu Yu Hakusho thua kém HxH ở hầu hết các mặt, nhưng nếu có một phần hoàn thiện hơn thì đó chính là nhân vật. Hệ thống nhân vật ở đây tuy không đông đảo bằng nhưng rất thú vị và có chiều sâu. Anime xây dựng hình tượng và phát triển tính cách tốt, tạo dựng tương tác hợp lí và có những mối quan hệ chuyển biến rất hay. Thế giới trong Yu Yu Hakusho không rạch ròi chính tà, không có người tốt cực điểm hay xấu xa vĩnh cửu. Nó luôn cố gắng chiếm được sự đồng cảm của người xem đối với cả phe thiện hay phe ác. Vậy mới có những nhân vật phản diện hết sức đặc sắc như Sensui. Anh ta gai góc, đa chiều và phức tạp, không thể phân định được là một kẻ gian tà hay một nạn nhân đáng thương. Các nhân vật còn lại đóng vai trò bổ trợ hiệu quả, mặc dù không thực sự có chiều sâu như Botan, Keiko, Koema…
Yusuke Urameshi: 

Có thể nói đây là một trong những nhân vật chính xuất sắc nhất trong thể loại shounen. Nếu phải so thì Gon của HxH thua rất xa. Gon và nhiều nam chính shounen khác thường là nhân vật một chiều, hướng thiện còn Yusuke thì thuộc kiểu anti-hero. Yusuke chết ngay từ tập 1 và đây là cái chết rất hài hiếm có trong giới A-M. Cậu ta bất cần đời, ngỗ nghịch, hám gái và nóng tính. Cậu không theo phe ai, chiến đầu không phải vì hòa bình thế giới mà chỉ để được hồi sinh, vì thích đánh nhau hay muốn bảo vệ người yêu và bạn bè. Yusuke thậm chí còn trăn trở về hành động của Sensui có khi là đúng, hay cảm thấy buồn chán vì quá mạnh, muốn xuất hiện một kẻ xấu xứng tầm để đánh nhau. Đây là nhân vật có sự phát triển xuyên suốt, trưởng thành dần dần theo chiều dài phim. Mặc dù có nhiều nét tương tự với Gon nhưng tác giả nhận định Yusuke là cảm hứng cho nhân vật Ging (Cha của Gon).

Kuwabara Kazuma: 

Nhân vật này khá giống với Leorio (HxH), là người cao nhất, hài hước nhất nhưng cũng yếu nhất và ngốc nhất trong bốn vai chính. Tuy nhiên Kuwabara lên hình nhiều và có trọng tâm nên đáng nhớ hơn, đồng thời làm cho bộ tứ của Yu Yu Hakusho đồng đều và hoàn thiện hơn HxH. Cậu là một tên đầu gấu chính hiệu nhưng so với các nhân vật chính còn lại thì vẫn là người tử tế tốt bụng nhất. Kuwabara yếu nên xài sức mạnh niềm tin khá nhiều, cậu cũng hay nói và nóng nảy nên khán giả có thể sẽ thấy annoying. Tương tác giữa Kuwabara và Yusuke, Hiei rất hay. Mặc dù vậy đây vẫn là nhân vật ít có chiều sâu và phát triển nhất trong bốn người. Kuwabara còn có nhiều điểm tương đồng với Hanamichi Sakuragi (Slam dunk).
Kurama

Gần như là anh em sinh đôi với Kurapika (HxH), thông minh, điềm tĩnh; hay mặc đồ Tàu; bề ngoài khá lạnh lùng và sở hữu nét đẹp giống con gái; cũng là nhân vật được yêu thích nhất nhì trong anime. Nhân dạng thật của cậu là một hồ ly xảo quyệt, tàn nhẫn và rất kiêu ngạo. Nhân dạng thứ hai là Shiori Minamino, một đứa trẻ được nuôi lớn giữa xã hội loài người nên bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của con người, đặc biệt là người mẹ. Sự đấu tranh giữa hai nhân cách đã làm nên chiều sâu cho nhân vật này. Những bí mật quá khứ của cậu cũng khá hấp dẫn. Nếu phải so sánh thì Kurama và Kurapika đều hay như nhau, nhưng nếu HxH được viết tiếp thì hẳn Kurapika sẽ nhỉnh hơn, vì đây là một nhân vật khá phức tạp cả về nội tâm, quá khứ cũng như các mối quan hệ. Một nhân vật ngoài lề khác rất giống Kurama đó là Himura Kenshin (Rurouni Kenshin).
Hiei:

Đây là một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong anime, cũng dễ hiểu vì cậu ta ngầu và rất mạnh. Hiei giống với Killua (HxH), cả hai đều khá đặc sắc khó có thể nói ai hơn ai. Hiei là người khó gần, ít nói và tàn nhẫn nhất trong bộ tứ. Tuy nhiên cậu lại đặc biệt quan tâm và bảo vệ em gái. So với ba nam chính còn lại thì đây là nhân vật phức tạp, bí ẩn nhất, đồng thời có quá khứ rất hay và ấn tượng hiếm thấy. Qua quá khứ đáng thương và đầy sóng gió đó, chúng ta hoàn toàn có thể đồng cảm với tính cách và lối sống của Hiei bây giờ. Mối quan hệ giữa cậu với Kuwabara và đặc biệt là Kurama rất độc đáo thú vị, là ngọn nguồn của nhiều doujinshi. Cá tính của Hiei còn tương đồng với Vegeta (Dragon ball), Feitan (HxH) và Starjun (Toriko).
Nếu như Yu Yu Hakusho mạnh nhất ở khoản nhân vật thì nó lại yếu nhất trong art/animation. Art lỗi thời, dùng nhiều cảnh tĩnh, cảnh lặp lại hay các vạch sọc để thể hiện tốc độ. Nhân vật nhiều khi bị biến dạng, nhất là vẽ khán giả trong giải đấu rất cẩu thả, không thể hiện được tính chất náo nhiệt, hung hãn của đám đông. Background thì sơ sài, animation ít ỏi, hiệu ứng nghèo nàn. Anime hành động mà vẽ chuyển động tiết kiệm thì đó là một điểm trừ khá nặng rồi. Nhìn chung Yu Yu Hakusho mang đầy đủ đặc điểm của một TV series có ngân sách thấp. Tuy nhiên về sau nó có cải thiện đáng kể, thậm chí một vài nhân vật phụ còn được minh họa chi tiết hơn cả nhân vật chính.

Khoản âm nhạc cũng không phải thế mạnh của anime này. Toàn bộ không có bản nhạc nào đáng nhớ, thiếu tính độc đáo và được sử dụng khá lặp. Hiệu ứng âm thanh tiếng động bình thường. Bài OP khá catchy mang sắc thái tươi sáng và bắt tai giống như nhiều anime thời trước, có thể coi nó là một đại diện tiêu biểu cho nhạc phim kinh điển những năm 90. Tuy nhiên nó cũng không hay đến nỗi để khán giả phải nghe suốt 112 tập phim mà không thay đổi lấy một lần, trong khi đó ED thay 5-6 lần nhưng lại không có gì ấn tượng. May mắn là khâu lồng tiếng của anime tương đối ổn, đặc biệt là dub tiếng anh nhận được rất nhiều đánh giá tích cực.

Trên đây là review khá chi tiết về Yu Yu Hakusho, một trong những anime chiến đấu nổi tiếng và được yêu thích nhất mọi thời đại. Mặc dù đã cũ kĩ và còn tồn tại nhiều hạn chế nhưng Yu Yu Hakusho lại tỏa sáng ở một số mặt mà nhiều bộ shounen nên học tập: một cốt truyện có chiều sâu, có chiến thuật thông minh và dàn nhân vật đặc sắc. Nếu bạn đã chán chường các anime rập khuôn nhau, thiếu sáng tạo thì đây là tác phẩm đáng thử qua để thấy được sự khác biệt giữa shounen hay và shounen dở là như thế nào.
Overall: 7.5
Bonus: Yu Yu Hakusho cameo trong Hunter x Hunter:

Hiei lảng vảng trong đám đông



Cậu ta thậm chí bị truy nã

Nhưng vẫn lảng vảng trong đám đông cùng với Kurama

Kurama, Kuwabara và Yusuke yên vị trên kệ figure của Milluki

Thần thú Puu của Yusuke làm móc khóa điện thoại của Neon

Suzaku từng bị Chrollo cướp năng lực?
Người viết: Hazy Nguyen
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

TOP 10 ĐỨA TRẺ CHẾT CHÓC TRONG ANIME

Anime đã khắc họa rất nhiều cô bé, cậu bé dễ thương như Rin Kaga (Usagi Drop), Ushio (Clannad: After story), Baby Beel (Beelzebub), Naru (Barakamon), Renge (Non non biyori)… Những nhân vật nhí này luôn là tâm điểm của anime mỗi khi lên hình nhờ vẻ ngoài hết sức đáng yêu và tính cách thơ ngây của mình. Song bên cạnh đó, cũng có không ít đứa trẻ lại trở thành nỗi khiếp sợ của người xem bởi sức mạnh khủng khiếp hay sự gian xảo trá hình đằng sau khuôn mặt thánh thiện. Kì này hãy cùng TopTenHazy điểm danh những nhân vật trẻ con nguy hiểm nhất trong anime nhé.
* Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ nội dung anime, bạn nên cân nhắc trước khi đọc.

Reisuke Houjou (Mirai Nikki)

Là nhân vật nhỏ tuổi nhất trong danh sách này nhưng nỗi khiếp đảm mà Reisuke để lại trong tâm trí người xem không hề nhỏ bé chút nào. Ở tuổi lên 5, Reisuke thực sự là một đứa trẻ vô cùng thủ đoạn và tàn nhẫn. Nụ cười ngây thơ và hành động trẻ con của cậu chỉ là lớp ngụy trang hoàn hảo cho bản năng chết chóc. Sự thông minh hơn người về khoa học cùng tài năng hội họa đã giúp Reisuke trở thành một đối thủ mà bất cứ ai cũng phải dè chừng trong trò chơi sinh tử. Cậu bé tưởng như vô hại này chính là người chơi thứ 5 trong Mirai Nikki. Nếu không có Yuno thì việc Yuki thất bại trong tay đứa trẻ bí hiểm này là một khả năng rất dễ xảy ra.

Kousuke Kira (Btooom!)

Kousuke là một đứa trẻ rất thông minh và mạnh mẽ. Vậy nhưng sẽ thế nào nếu cậu ta phải tham gia một trò chơi sống còn với những trái thuốc nổ luôn được trang bị trên người? Chắc chắn rằng không có người xem nào dám khẳng định nhân vật chính của chúng ta Ryouta đã may mắn khi đụng độ phải cậu bé này. Với kinh nghiệm sành sỏi trong game online và bản chất tàn nhẫn tới mức điên loạn, Kousuke còn nguy hiểm hơn bất kì người trưởng thành nào trong cuộc đua chết chóc này. Từng trải qua một quá khứ đầy tổn thương, cậu trở thành tội phạm vị thành niên và không ngại phải giết chóc. Thế nhưng chính sự tàn bạo đó lại biến Kousuke thành một trong những nhân vật ấn tượng nhất trong Btooom!.

Hansel & Gretel (Black lagoon)

Có những đứa trẻ được sinh ra giữa bối cảnh u ám, bị bán đi mua vui cho những kẻ lắm tiền, bị đối xử dã man và buộc phải tàn sát lẫn nhau để tồn tại. Tất cả đã hình thành nên nhân cách tàn bạo và điên cuồng của hai anh em sinh đôi Hansel và Gretel. Trong thế giới đầy rẫy tội ác của Black Lagoon, hai đứa trẻ dành cho nhau niềm tin tuyệt đối, luôn sát cánh bên nhau trong những phi vụ làm rung đảo thế giới ngầm. Chiếc rìu sắc lẹm của Hansel và khẩu Browning Automatic Rifle khổng lồ của Gretel trở thành những vũ khí giết người hoàn hảo trong tay hai đứa trẻ điên loạn. Vì vậy dù là nhân vật phụ chỉ xuất hiện trong vài ba tập phim nhưng ấn tượng của người xem về Hansel và Gretel khó có thể phai mờ.

Mariko Kurama (Elfen lied)

Nếu như nhân vật chính Lucy từng khiến khán giả phải rùng mình trước những cảnh tượng giết người tàn bạo không cảm xúc thì Mariko mới chính là Diclonius nhỏ tuổi nhất nhưng nguy hiểm không hề kém cạnh trong Elfen lied. Thay vì 4 vector như Lucy thì Mariko thậm chí sở hữu những 26 cái, biến mọi thước phim có mặt mình trở nên đẫm máu. Mặc dù cơ thể yếu ớt nhưng cô bé lại rất thích giết người và coi việc tra tấn, phanh thây nạn nhân như một thú vui. Tuy nhiên bản chất của Mariko không độc ác mà chỉ như một đứa trẻ cảm thấy vui vẻ trong một trò chơi. Nếu như không có một tuổi thơ bất hạnh và bị nuôi dưỡng như một vật thí nghiệm thì cuộc đời cô ắt hẳn sẽ tươi đẹp hơn.

Hibana Daida (Deadman wonderland)

Từ sâu thẳm của Deadman wonderland xuất hiện một cô bé với sự ám ảnh bất thường về công lí và một thanh đao khổng lồ trên lưng, đó chính là Hibana Daida. Mang vẻ ngoài của một đứa trẻ 7 tuổi nhưng Hibana lại là một trong những nhân vật máu lạnh và điên rồ nhất trong anime. Hibana yêu thích sự tra tấn một cách ghê sợ và sẵn sàng trừng phạt tàn bạo những kẻ mà cô cho là không xứng đáng. Hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn vung vẩy thanh kiếm nặng trịch như không có gì, trong khi đó đối thủ phía trước đang kêu gào khi bị cắt mỏng từng mảng thịt khỏi cơ thể, đã trở thành cảnh tượng khó có thể nào quên với các khán giả của anime này.

Messiah/Akki (Shinsekai yori)

Trong cuộc tìm kiếm Mamoru, Maria đã lựa chọn ở lại bên cạnh cậu, chấp nhận bị loại bỏ khỏi cộng đồng. Kết quả là một đứa trẻ ra đời mang theo niềm hi vọng về thế hệ mới. Tuy nhiên bi kịch xảy ra khi đứa con lại bị biến thành một thứ vũ khí giết người hàng loạt. Đó chính là câu chuyện của Messiah. Một đứa trẻ được nuôi lớn giữa cộng đồng queerat, bị tẩy não rằng con người là kẻ thù, Messiah không hề biết cô đang chiến đấu với chính đồng bào mình. Hoang dã và tàn nhẫn, cô đã biến Shinsekai yori thành một trường đoạn đầy tang thương chết chóc. Hình ảnh cô gái với mái tóc đỏ vô cảm giết sạch mọi người trên đường đi đã găm sâu ấn tượng đau thương trong lòng người xem.

Alluka Zoldyck (Hunter x Hunter)

Alluka là một trường hợp hi hữu trong top này, vì cậu không thể chiến đấu, không hề có ý làm hại ai, thậm chí còn rất ngây thơ và trẻ con. Song điều khiến Alluka trở thành một nhân vật đáng sợ đó là sở hữu năng lực khủng khiếp nhưng không thể kiểm soát được nó. Cậu có sức mạnh ban điều ước cho người khác, nhưng phải đánh đổi bằng một cái giá tương xứng. Còn nếu không thể đáp ứng được yêu cầu của cậu hơn 4 lần thì người đó sẽ chết. Đỉnh điểm là trong một vụ việc, gần 70 người đã bị Alluka gián tiếp giết chết. Kể cả gia tộc sát thủ Zoldyck cũng phải khiếp sợ năng lực này và buộc phải quyết định cách li Alluka khỏi thế giới bên ngoài.

Masato (Mermaid Forest)

Một cậu bé có khuôn mặt thiên thần nhưng mang linh hồn của ác quỷ, một ngoại hình bé nhỏ nhưng số tuổi tâm hồn lên tới 800 năm, đó là câu chuyện của Masato. Cậu là người bất tử nhưng 800 năm cô đơn đã biến cậu trở thành một con quái vật xảo quyệt và độc ác. Masato lừa những người phụ nữ tốt bụng mình đã gặp, hứa hẹn cuộc sống bất tử để đổi lại tình thương và sự chăm sóc của họ như một người mẹ. Thế nhưng bi kịch xảy đến khi không một ai ở bên cậu được quá lâu. Masato sẵn sàng bỏ mặc những người mẹ của mình và làm bất cứ phương cách tàn nhẫn nào để tìm kiếm một người tri kỉ thực sự. Thế nhưng chính sự độc ác nhưng cũng rất đáng thương đó đã giúp Masato trở thành một nhân vật phản diện đặc sắc trong giới anime nói chung.

Pride/Selim Bradley (Fullmetal alchemist: Brotherhood)

Thoạt nhìn có lẽ rất nhiều người xem đều nghĩ rằng Selim Bradley không khác gì một đứa trẻ bình thường. Thế nhưng dần dần qua mỗi tập phim, ai nấy sẽ nhận ra thân thế cũng như sức mạnh của nhân vật này thuộc hàng nguy hiểm bậc nhất trong anime. Mang vẻ ngoài của một cậu bé hiền lành dễ thương, luôn kè kè bên mẹ và rất kính trọng cha, nhưng thực chất Selim lại là homunculus đầu tiên và mạnh nhất do Father tạo ra. Với khả năng điều khiển bóng, Pride gần như thâu tóm cả màn đêm và luôn tạo cảm giác không thể bị đánh bại. Ánh mắt sắc lạnh, nụ cười gian xảo và năng lực khủng khiếp đã khiến Pride trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người hâm mộ Fullmetal Alchemist: Brotherhood.

Sachiko Shinozaki (Corpse party)

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu cái tên Sachiko không có mặt trong danh sách này. Sachiko vô cùng yêu người mẹ của mình, vì vậy cái chết của bà đã biến cô trở thành một vong hồn đầy thù hận. Cô gái trong chiếc váy đỏ rách rưới này tự bao giờ đã trở thành nỗi kinh hoàng với những ai từng trải nghiệm Corpse party. Sachiko vui thích việc tra tấn và giết người cả về thể xác lẫn tinh thần. Đáng sợ hơn là cô rất nham hiểm, thường giả vờ giúp đỡ các nạn nhân của mình chỉ để hành hạ và giết họ sau đó bằng những cái bẫy tinh vi chết người. Sachiko đã biến Corpse party thực sự trở thành một bữa tiệc chết chóc và là nhân tố kinh sợ nhất làm nên chất horror ám ảnh ở tác phẩm này.
Bạn có đồng ý với top này, hãy chia sẻ bình luận bên dưới nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

TOP 10 ANIME HAY NHẤT VỀ OTAKU

Khi xem anime thì hẳn các bạn cũng từng nghe tới các thuật ngữ Otaku, hikikomori và NEET. Chúng có nghĩa là gì? Otaku là từ dùng để chỉ những người yêu thích, hâm mộ anime và manga nói chung. Hikikomori là những người cô lập với xã hội, không ra ngoài hơn nửa năm. Còn NEET chỉ chung những ai không có việc làm và phải nhận chu cấp từ gia đình. Tất cả họ đều được xem là khác người, bất thường trong hành vi so với tiêu chuẩn xã hội Nhật Bản. Định nghĩa của các từ này bạn có thể tìm hiểu cụ thể hơn qua các phương tiện truyền thông. Còn bài viết sau đây chỉ giới thiệu đến bạn đọc những anime khai thác chủ đề này hay nhất.

10. Watamote

Một con hàng độc đáo của năm 2013, Watamote là anime điển hình về cuộc sống của otaku. Nhân vật chính trong phim là Tomoko Kuroki, một game thủ đầy kinh nghiệm trong thế giới otome game. Cô tự tin bước vào cấp III với mơ mộng sẽ trở nên nổi tiếng nhờ kiến thức dạn dày học được qua các trò chơi. Tuy nhiên cuộc đời không dễ dàng như thế. Tomoko đã phải trải qua bao tình huống oái ăm vì tính cách khác người và ảo tưởng sức mạnh của mình. Theo dõi hành trình Tomoko cố gắng cải thiện tình trạng dở khóc dở cười này không ngừng làm người xem cảm thấy thú vị. Không có những nhân vật lung linh hay đồ họa ấn tượng, nhưng sự đơn giản mà hài hước của Watamote sẽ đem lại cho bạn những phút giây giải trí tuyệt vời.

9. Lucky Star

Chơi game thâu đêm, tán gẫu với bạn bè, chuyên gia chép bài tập về nhà, than phiền về trận bóng chày làm gián đoạn lịch chiếu anime, đóng Haruhi ở một quán maid làm thêm… một số điều kể trên đã góp phần phác họa nên lối sống đậm chất Otaku của nhân vật chính Izumi Konata trong Lucky Star. Với bộ phim này, khả năng biến hóa moe của KyoAni lại được nâng lên một tầm cao mới. Những nhân vật siêu dễ thương với muôn vàn biểu cảm sẽ giữ chân bạn từ đầu đến cuối. Thêm vào đó, thú vị không kém là nội dung slice of life vui vẻ, những tình tiết gây cười hóm hỉnh pha chút châm biếm văn hóa Otaku của xứ sở hoa anh đào. Lucky Star là một món ăn tuyệt vời cho những ai kén chọn anime phù hợp với mình.

8. I can’t understand what my husband is saying

Anime này một lần nữa chứng tỏ rằng Otaku là một đề tài khá được ưa chuộng cho những bộ phim hài. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một đôi vợ chồng khá đặc biệt. Chị là Kaoru, một nữ nhân viên văn phòng siêng năng, chăm chỉ; còn anh là Hajime, một otaku suốt ngày đắm chìm trong thế giới ảo. Tiêu đề anime đã nói lên tất cả “Tôi không thể hiểu chồng mình đang nói gì”, bộ phim vẽ nên bức tranh cuộc sống hoàn toàn trái dấu giữa hai con người khác biệt nhau. Thế nhưng tình yêu và sự hi sinh vẫn là sợi dây gắn bó giữa họ, giúp họ cố gắng thấu hiểu và chung sống với nhau. Chỉ 3 phút mỗi tập phim, nhưng giá trị giải trí cao của I can’t understand what my husband is saying chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.

7. Rozen maiden

Từ rất lâu, có một người đàn ông làm nghề chế tạo búp bê tên là Rozen. Ông đã làm nên 7 con búp bê có hành động suy nghĩ như con người. Thế nhưng một ngày nọ Rozen đột ngột biến mất. Để gặp lại “Cha”, những cô búp bê phải chiến đấu chống lại nhau hàng thế kỉ để trở thành Alice - cô gái cao quý nhất, hoàn thiện nhất. Rozen maiden bắt đầu như một câu chuyện cổ tích, nhưng toàn bộ anime lại được phủ lên một tông màu buồn có phần tăm tối. Nội dung như vậy thì có gì liên quan đến chủ đề mà top này đề cập? Đó là nhân vật chính Jun là một cậu bé sống xa lánh với xã hội. Rozen maiden không chỉ là cuộc chiến của những cô gái búp bê, mà còn là hành trình của Jun đi tìm lại con người ngày xưa của mình.

6. No game no life

Ra mắt năm 2014, No game no life đã gom về thành công vang dội cho Madhouse, khẳng định được vị thế của mình trong làng anime. Câu chuyện kể về hai anh em game thủ huyền thoại Shiro và Sora khuấy đảo thế giới mạng dưới nick “Black”. Tuy nhiên sự thật ngoài đời họ là NEET, không đến trường và chán ghét cuộc sống thực tại. Tất cả bắt đầu khi Shiro và Sora được mời đến sống ở một nơi mà tất cả mọi thứ đều được quyết định bằng trò chơi. No game no life là anime ecchi, comedy được thể hiện một cách sáng tạo và đầy sức sống. Một thế giới phép thuật kì diệu, những màn đấu trí kịch tính, các khoảnh khắc fanservice nóng bỏng… No game no life có đủ mọi thứ để xứng đáng với tiếng tăm của nó.

5. Kuragehime

Đến từ Brain’s base, một hãng khá chắc tay trong việc chuyển thể các con hàng từ manga, light novel… Kuragehime có thể làm bạn yên tâm về chất lượng của nó. Nhân vật chính trong phim là Tsukimi khăn gói lên Tokyo mang theo ước mơ trở thành họa sĩ. Cô đến trọ tại khu chung cư Amamizukan vốn không cho phép đàn ông bước vào. Cuộc đời bình lặng của các otaku sống ở đây bỗng chốc thay đổi khi Tsukimi cho một cô gái xinh đẹp ở nhờ một đêm, mà không biết rằng đó là cậu ấm của một gia đình bề thế. Dựa trên manga cùng tên của Higashimura Akiko, anime mang đến cho người xem một câu chuyện đầy màu sắc. Dễ thương, ngọt ngào và vui nhộn là lời tổng kết tốt nhất cho bộ phim này.

4. Himouto! Umaru-chan

Với sở trường chuyên về comedy thì Dogakobo một lần nữa không làm các fan thất vọng với anime Himouto! Umaru-chan. Bộ phim kể về Umaru, một hình mẫu nữ sinh lí tưởng, hoàn hảo từ ngoại hình, học tập cho đến tính cách. Ấy thế mà hễ trở về nhà thì cô lột xác trở thành một người hoàn toàn khác. Sự nổi tiếng của anime này chắc không cần phải đề cập đến, bởi hình ảnh cô em gái dễ thương Umaru từng làm bừng sáng khắp các trang mạng anime mùa Summer 2015. Tuy nhiên Himouto! Umaru-chan không phải tác phẩm chuyên sâu về otaku, mà từ đó phác họa nên một bức tranh tình cảm gia đình vui vẻ trong sáng. Sự gần gũi và ấm áp của nó dễ dàng đánh cắp trái tim của bất cứ ai.

3. Otaku no Video

Đây có thể nói là anime mẫu mực nhất nếu bạn muốn tìm hiểu về các khía cạnh của văn hóa Otaku. Chỉ với 2 tập OVA, bộ phim đã phơi bày chân thật cuộc sống của những con người “khác biệt”, đi sâu vào cảm nhận của họ về niềm đam mê cũng như áp lực của thế giới thực. Anime kể về một sinh viên trẻ tuổi tên là Ken Kubo từ khi làm quen với anime, manga cho đến khi dấn sâu vào nó. Cậu học hỏi được nhiều thứ và cũng từ đó sa ngã, nhưng giữa tuyệt vọng Ken vẫn đứng lên quyết chí trở thành vua của Otaku – The Otaking. Ngụy trang dưới những thước phim tài liệu, Otaku no Video là sự kết hợp kì lạ giữa live-action và hoạt họa, đem đến câu chuyện không thể hài hước hơn, nhưng lại vừa chân thực đến đau lòng.

2. Genshiken

Khi nói đến những anime về otaku hay nhất thì Genshiken mặc định chắc chắn sẽ được nhắc tới. Genshiken là viết tắt của “Hội nghiên cứu văn hóa trực quan hiện đại”, là một câu lạc bộ ở trường đại học Tokyo. Các thành viên trong đó yêu thích cosplay, mô hình, game và chia sẻ một tình yêu chung dành cho manga/anime. Bước vào một năm học mới, hai tân sinh viên đã xin gia nhập vì những lí do khác nhau, đó là Kousaka và Sasahara. Đó là lúc câu chuyện bắt đầu. Genshiken sở hữu một nội dung rất thú vị và hài hước về một nhóm otaku điển hình tại Nhật Bản. Nhưng bên cạnh đó, nó không thiếu những cảnh phim sâu sắc và cảm động về tình bạn, tình yêu và hành trình theo đuổi niềm đam mê của những con người trẻ tuổi.

1. Welcome to the N.H.K

Không chỉ là một anime điển hình về otaku, Welcome to the N.H.K có thể nói là tác phẩm kinh điển và xuất sắc nhất ở mảng đề tài này. Bộ phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ ở Tokyo, thể hiện tâm lí và góc nhìn của họ về cuộc sống. Qua những thước phim hài hước nhưng đầy tính chân thật, Welcome to the N.H.K đã phơi bày những vấn đề nổi cộm của xã hội Nhật Bản hiện đại như otaku, hikikomori, nghiện game, lừa đảo đa cấp, tự tử qua mạng… Với sự sâu sắc về nội dung và độc đáo trong cách thể hiện, Welcome to the N.H.K có thể khiến bạn cười trong cay đắng, vừa thấm thía những bài học giá trị mà ít anime nào làm được. Mặc dù ra đời từ cách đây khá lâu, nhưng nó sẽ luôn là một tác phẩm không ngừng khiến chúng ta tự vấn và chiêm nghiệm về bản thân mình.
TopTenHazy đã bỏ lỡ anime hay ho nào không, hãy chia sẻ bình luận bên dưới nhé.
Tổng hợp: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Được tạo bởi Blogger.