Labels

Entri Populer

Nguyệt On Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Ikeda Riyoko hẳn là cái tên không mấy lạ lẫm với những người yêu truyện tranh Nhật Bản. Bà là tác giả của bộ manga được xem là kiệt tác shoujo kinh điển Rose of Versailles. Tuy nhiên khuất bóng dưới sự thành công của tác phẩm này, một bộ truyện đáng chú ý khác là Oniisama e đã được chuyển thể thành một anime dài 39 tập. Có cùng tác giả và đạo diễn với Rose of Versailles, đây là bộ phim hay đáng xem nếu bạn từng yêu mến câu chuyện tình sử bi tráng của Oscar trước đó.
  • Tên: Oniisama e… (Dear brother)
  • Năm phát hành: 1991
  • Studio: Tezuka Productions
  • Số tập: 39
  • Rating: (Anidb) 7.61; (Myanimelist) 7.89
Nhân vật chính trong anime là Nanako Misonoo, cô con gái một gia đình bình thường bắt đầu năm học mới ở ngôi trường nữ sinh nổi tiếng Seiran. Cô bất ngờ được lựa chọn vào Sorority, một nhóm những học viên ưu tú nhất với nhiều đặc quyền và sự ngưỡng mộ của những người khác. Điều đó khiến Nanako bị bạn bè đố kị và gặp phải những tai tiếng xấu. Cô đã ghi lại cuộc sống thường nhật đó trong những bức thư gửi đến người anh trai kết nghĩa của mình.

Từ một manga 3 volume chuyển thể thành series dài 39 tập, anime có một cốt truyện rất tiềm năng và nó thậm chí đạt chiều sâu hơn so với nguyên tác. Oniisama e bước vào những tập đầu tiên như bao anime học đường khác với sự bỡ ngỡ của Nanako trước trường mới, bạn bè mới. Nhưng càng về sau, câu chuyện càng trở nên sẫm màu và cực kì cuốn hút. Thế giới học đường đầy sóng gió của Hana Yori Dango (aka Vườn sao băng) sẽ trở nên thật bình thường nếu phải so sánh với những gì Oniisama e miêu tả. Sự ganh ghét, đố kị, nghiện thuốc, trầm cảm, tự tử, bệnh tật, lesbian, gia đình tan vỡ, âm mưu giết người, nạn bắt nạt, phân biệt giai cấp… dường như tất cả mọi người đều có vấn đề của riêng mình. Những bí mật dơ bẩn, những âm mưu hiểm độc, tương lai u ám, quá khứ đầy tổn thương… Nanako bị mắc kẹt giữa vòng xoáy đó.

Cốt truyện của Oniisama e thể hiện một phong cách rất Ikeda Riyoko. Những tác phẩm của bà thường lấy bối cảnh phương Tây thời xưa, thường đề cao nữ quyền và đặc biệt luôn vận động không ngừng, thể hiện cái gì đó mang tính cách mạng, bứt phá khỏi sự ràng buộc. Oniisama e cũng không là ngoại lệ. Tác phẩm có được sự sâu sắc rất ít anime học đường nào làm được nhờ đưa câu chuyện lên tầm vĩ mô. Sorority-abolishing arc nghiễm nhiên trở thành arc xuất sắc nhất trong anime bởi sự phức tạp và kịch tính, biến Học viện Seiran giống như một đất nước thu nhỏ trước sự sụp đổ của chế độ chuyên quyền. Và cũng giống như các tác phẩm khác của bà, Oniisama e kết lại không phải bằng một happy ending, nhưng cũng không hề cảm thấy bi kịch. Cái còn lại trong lòng người xem luôn là một dư âm đượm buồn và le lói hi vọng.

Cái hay nữa ở tác phẩm này là được kể dưới dạng một bức thư. Ở góc nhìn thứ nhất, bộ phim mang đậm cảm xúc cá nhân của một cô gái ngây thơ bị ném vào môi trường khắc nghiệt. Trong bất cứ phân cảnh nào, người ta đều cảm nhận được không khí căng thẳng đè nén, những ức chế tinh thần mà Nanako phải chịu đựng. Cô rất thành công trong vai trò người dẫn truyện, qua sự quan sát của mình dần dần gợi mở các bí mật. Anime luôn biết cách tạo hint làm cho người xem phải đặt câu hỏi mỗi tập phim đi qua. Tại sao Kaoru phải nghỉ học một năm? Tại sao Nanako có thể vào Sorority dễ dàng? Giữa Rei và Fukiko có bí ẩn gì?... Diễn biến phim rất chậm và chắc; phần giới thiệu, build-up chiếm đến hơn phân nửa thời gian lên hình để lột tả một hệ thống phân cấp đáng sợ nơi trường học, hé lộ những vết nứt đe dọa đến sự tôn nghiêm lâu đời của Sorority.

Và vì Oniisama e là một tác phẩm shoujo, nó khó tránh khỏi yếu điểm đó là over the top melodrama. Anime không hẳn sến, mà là kịch. Các chi tiết đều được làm cường điệu lên: khi bạn buồn thì phải ghì tay lên ngực với khuôn mặt đau khổ, khi bạn vui thì xoay người nhiều vòng như múa bale. Mọi diễn biến nội tâm nhân vật đều được giải thích tường tận bằng lời và các động tác cơ thể như diễn kịch. Hơn nữa lời dẫn truyện là những dòng thư (văn viết thường hoa mĩ hơn văn nói) và người kể Nanako vốn là một cô gái nhạy cảm nên toàn bộ anime là hàng tấn tâm sự não nề. Anime còn có nhiều chi tiết rập khuôn shoujo như gió lùa tóc bay, nước mắt lấp lánh, bồ câu bay tứ tung mỗi khi có biến động, background long lanh để miêu tả nhân vật xinh đẹp… Một điểm trừ khá lớn khác ở bộ này là plot device và động cơ của nhân vật Fukiko chưa thuyết phục.
Một câu chuyện mạnh cần dàn nhân vật mạnh. Oniisama e làm được một điều cực kì ít anime làm được, đó là sở hữu số lượng nhân vật đông đảo nhưng BẤT KÌ ai cũng đều sâu sắc khó quên. Thông thường một bộ phim chỉ cần tập trung vào các nhân vật chính, còn lại làm nhiệm vụ bổ trợ không nhất thiết khai thác kĩ. Tuy nhiên trong Oniisama e thì kể cả vai phụ huynh hay những senpai chỉ xuất hiện dăm ba phút cũng được khai thác rất sâu. Họ được chăm chút và gây ấn tượng đến nỗi dù qua một thời gian dài, bạn vẫn hoàn toàn có thể nhớ hết toàn bộ nhân vật từng xuất hiện trong anime này. Oniisama tỏ ra tham vọng với khoản nhân vật, tạo ra một phạm vi hậu quả rộng lớn của Sorority. Họ được xây dựng đúng phương châm: mỗi hành động xảy ra đều có lí do, đằng sau mỗi người là một câu chuyện. Không có ai không bị ảnh hưởng, tất cả đều bị cuốn vào cơn bão vô hình từ trường Seiran.

Anime gây dựng mâu thuẫn, tâm lí và quan hệ nhân vật rất xuất sắc, trong đó nổi bật nhất là Nanako, Mariko, Rei, Kaoru và Fukiko. Truyện của Ikeda Riyoko thường lấp lửng về giới tính thì 4/5 nhân vật này đều là crossdresser hay đồng tính. Rei và Kaoru đều rất giống con trai và được các nữ sinh trong trường hâm mộ. Nếu như Rei luôn sống trong một thế giới riêng với nỗi ám ảnh và trầm cảm nặng nề thì Kaoru lại chân thành, cởi mở, song lại che dấu một bí mật bi kịch. Họ bổ sung cho nhau tạo nên một bộ đôi cuốn hút trong bất kì khung hình nào xuất hiện. Mariko là một nhân vật phức tạp hơn với rất nhiều tính cách hỗn tạp: vừa trẻ con ngây thơ trong quan niệm tình yêu, vừa kiêu hãnh hiếu thắng trong những cuộc cạnh tranh, khi trở nên bất thường đáng sợ không ngại thủ đoạn, nhưng cũng mềm yếu lúc gặp tổn thương.

Song nhân vật ấn tượng nhất trong anime này thì Fukiko – vị chủ tịch xinh đẹp của Sorority được mọi người tôn thờ. Cô giống như Griffith (Berserk) phiên bản nữ, một con người đầy lòng kiêu hãnh và vô cùng phức tạp, càng gần gũi lại càng không thể hiểu hết. Fukiko xuất hiện như một vai phản diện: độc đoán, thâm hiểm, không ngừng hành hạ Rei đến mức tuyệt vọng và gây khó dễ cho bất kì ai làm trái ý. Mối quan hệ giữa Fukiko và Rei là phần bi thảm nhất, nhưng cũng đặc sắc nhất trong anime. Khi những bí mật mở ra, cô thể hiện mặt khác trong con người mình: say đắm trong tình yêu, luôn giữ được sự tôn nghiêm cao quý không bao giờ đi ngược lại với nguyên tắc của bản thân mình. Sorority sụp đổ nhưng Fukiko không hề thua cuộc. Lòng kiêu hãnh đã khiến cô trở thành nhân vật đặc sắc, người ta có thể ghét nhưng không thể không nể sợ.

Ngược lại Nanako lại là nhân vật đơn giản nhất trong số này. Cô nàng hơi Mary Sue: xinh xắn, tốt bụng, dễ mến, luôn quan tâm đến những người xung quanh. Kiểu nhân vật “nice girl” như vậy, không có cá tính đặc biệt thì thường sẽ rơi vào hai kiểu: nhàm chán hoặc bánh bèo. Rất may Nanako không nằm trong cả hai trường hợp đó. Đây là nhân vật nữ có sự phát triển xuyên suốt trong toàn bộ anime, thay đổi một cách từ từ và ngày một trưởng thành hơn. Từ một cô nữ sinh trong sáng ở đầu phim, Nanako trong những tập cuối cùng chín chắn đến lạ thường, đưa ra những câu thoại đầy chiêm nghiệm. Điểm trừ duy nhất ở phần nhân vật của Oniisama e như đã nói ở trên là đôi khi tâm lí kịch và chưa thuyết phục.
Về mặt hình ảnh, anime sở hữu chất lượng đồ họa cực kì tốt so với thời điểm ra đời. Mặc dù Art hơi cũ nhưng rất đẹp, hình ảnh sắc nét, cảnh nền tuy không có độ chi tiết cao nhưng hài hòa trong cách phối màu. Phong cảnh kiến trúc, trang phục và những cuốn sách đều mang nét đẹp cổ điển Pháp. Thiết kế nhân vật trung thành với manga: Rei luôn xuất hiện nhợt nhạt với những biểu hiện của một người nghiện thuốc an thần, Mariko bí hiểm quyến rũ trong chiếc váy tím và bờ môi mọng đỏ, Fukiko quý phái với những lọn tóc cầu kì… Anime cũng thường sử dụng góc quay dưới lên, tôn thần thái cao quý và sang trọng cho các nhân vật này. Có thể không có ngân sách cao nhưng bộ phim rất biết tận dụng tối ưu các kĩ thuật animation, đặc biệt chăm chút và chi tiết trong việc thể hiện các chuyển động của mái tóc và đôi mắt.

Đạo diễn Osamu Dezaki vốn đặc trưng với phong cách “postcard memories” thì đã thể hiện nó tăng thêm một bậc trong anime này, nói đúng hơn là lạm dụng. Mình chưa từng xem bộ phim nào mà dùng nhiều cảnh tĩnh như vậy. Mặc dù Osamu Dezaki đã làm rất nhiều cách tận dụng ảnh tĩnh như cuộn background, đóng băng nhân vật, lặp cảnh ba lần liên tiếp… nhưng cứ vài chục giây lại trình diễn một lần thì khó lòng cam chịu nổi. Animation rất hạn chế và slideshow quá nhiều khiến sự lôi cuốn của anime bị giảm mạnh. Bên cạnh đó các chi tiết như đàn chim bay, hoa hồng, cửa kính màu, những cơn gió nhẹ… cũng thường bị lặp lại. Bù lại cho hình ảnh động nghèo nàn thì anime đã sáng tạo khá hay các hình ảnh biểu tượng có chiều sâu.

Về âm nhạc, Oniisama e sở hữu bộ OST rất hay với quy mô khá lớn khoảng 60-70 bài. Phần lớn trong số đó là các bản nhạc piano và dàn nhạc giao hưởng rất phù hợp để tạo không khí cổ điển trang trọng cho anime. Bài hát Opening và Ending đều mang vẻ đẹp thanh lịch, cuốn hút. Bộ phim còn có một vài bài enka (nhạc truyền thống Nhật Bản) và ballad buồn mà ngay từ cái tên cũng đủ thấy mức độ bi ai sầu não: My heart died that day, thy eternal summer, Self-medicated lonely room, Death is now a welcome guest, Snow beaches red on white… cũng phải nói là nếu đứng riêng thì nhạc phim của Oniisama e rất tuyệt, nhưng lại không thật sự đáng nhớ khi xuất hiện trong anime. Lồng tiếng cho anime cũng không có gì đặc biệt, vẫn hơi diễn làm quá lên giống như các bộ shoujo thập niên 80, 90 khác.

Quên nhắc rằng Oniisama e mang tag yuri, nhưng bạn yên tâm yếu tố yuri ở đây được khai thác rất vừa phải và đáng nhớ. Với cốt truyện sâu sắc và xây dựng nhân vật ấn tượng, sẽ rất tuyệt vời nếu anime được trình bày tốt hơn, hạn chế những tình tiết shoujo khuôn mẫu. Cho dù vậy thì Osamu Dezaki vẫn là đạo diễn mình có cảm tình. Ông không ngại sửa đổi nguyên tác theo chiều hướng tăng chiều sâu nhân vật, khiến họ "con người" hơn và hầu hết các thay đổi đều tích cực. Đây một bộ shoujo sáng giá, nếu bạn là fan của Ikeda Riyoko thì không nên bỏ qua.
Overall: 8
Người viết: Hazy Nguyen
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Được tạo bởi Blogger.