Labels

Entri Populer

Nguyệt On Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Câu chuyện xoay quanh hai gia tộc nhẫn giả Iga và Kouga từng thù địch nhau hàng trăm năm, nhưng nhờ sự hòa giải của Hanzo Hattori mà không rơi vào chiến tranh đẫm máu. Hai trưởng tộc Oboro và Gennosuke chuẩn bị kết hôn để xóa bỏ thù hận giữa hai phái thì hiệp ước hòa giải bất ngờ bị hủy bỏ. Hai mươi ninja ưu tú nhất của họ phải tham gia vào một cuộc chiến sống còn để tranh giành quyền lực bên cạnh shogun Tokugawa. Manga Basilisk được Gonzo chuyển thể thành anime vào năm 2005. Giai đoạn này, Gonzo đã làm ra khá nhiều series sáng giá như Full Metal Panic!, Kaleidor Star, Last Exile, Samurai 7, Gankutsuou, Welcome to the N.H.K, Red garden… Liệu Basilisk của đủ đặc sắc để đứng chung hàng với những tác phẩm này?
* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim, bạn nên cân nhắc trước khi đọc.
  • Tên: Basilisk : Kouga Ninpou Chou (Basilisk: The Kouga Ninja Scrolls)
  • Studio: Gonzo
  • Năm phát hành: 2005
  • Số tập: 24
  • Rating: (Anidb) 6.72 ; (Myanimelist) 7.70
Basilisk tựa như Romeo & Juliet kết hợp với Ninja Scroll, một câu chuyện tình yêu ngang trái giữa hai phe đối lập, nhưng đặt trong bối cảnh đầy tăm tối, bạo lực ghê rợn. Cốt truyện khá đơn giản, không có sự kiện nào đặc biệt ngoài việc chém giết nhau giống như một cuộc thành trừng vô tận giữa hai phe. Thế nhưng dàn nhân vật đa dạng, các cảnh hồi tưởng và diễn biến khó đoán đã khiến cho câu chuyện trở nên phức tạp và hấp dẫn hơn. Nhìn chung những tác phẩm Mari Okada tham gia khâu kịch bản thì có thể romance rắc rối, có thể sến, có thể drama mệt não, nhưng nội dung chắc chắn không nông cạn. Basilisk cũng vậy, nó thể hiện mối thù ở cả hai phía bằng một góc nhìn trung lập và khai thác câu chuyện có chiều sâu về tình yêu và thù hận.

Một điểm thành công ở anime này là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử, hành động, tình cảm lãng mạn và đặc biệt là yếu tố siêu nhiên. Các trận đấu không phải kiếm thuật nhàm chán mà sử dụng nhiều năng lực siêu nhiên đa dạng, độc đáo rất hiếm thấy trong anime. Ví dụ như da hút máu, hơi thở độc, đồng hóa vào vật thể rắn, thổi lốc xoáy hố đen… thậm chí có những cái rất gớm như điều khiển đờm, nhớt, giấu kiếm trong họng… Chúng ta không thể biết được ai sẽ thắng hay thua vì các nhân vật không phụ thuộc sức mạnh cơ bắp hay năng lực. Cái lôi cuốn người xem không chỉ ở kết quả mà là quá trình họ lừa lọc nhau, sử dụng trí thông minh, xảo quyệt để thắng. Các trận đánh nhờ vậy diễn ra tương đối nhanh và rất kịch tính căng thẳng, đồng thời tạo pacing nhanh cuốn hút.

Tuy Basilisk mở đầu rất tiềm năng nhưng về sau thì dần trở nên dễ đoán và nhàm chán. Anime không có một hướng đi cụ thể, không cố gắng giải quyết vấn đề mà cứ để các nhân vật chém giết lẫn nhau vô nghĩa, giết xong thì hết phim. Thay vì quan tâm làm cách nào để hóa giải thù hận hay nhân vật phát triển ra sao thì người xem chỉ việc ngồi đếm xác và đoán “Ai sẽ chết tiếp theo?”. Như vậy sự thay đổi duy nhất trong anime là số lượng nhân vật chứ cốt truyện hoàn toàn không phát triển, không đạt được cái gì cả. Bên cạnh đó các chi tiết fanservice trong anime dù không đến mức nhồi nhét vô duyên, nhưng cách thể hiện lại kém hay so với độ dark, nghiêm túc của câu chuyện.

Một điểm trừ nữa ở Basilisk là mối hận giữa hai gia tộc chưa được khai thác thuyết phục. Mặc dù các nhân vật thể hiện rõ ràng lập trường thù ghét của mình nhưng rất khó để giải thích tại sao họ lại căm ghét nhau đến vậy. Họ đủ trưởng thành để nhận thức được hoàn cảnh cũng như sự vô nghĩa của chiến tranh, song kể cả những nhân vật từng trải nhất, lớn tuổi nhất cũng thể hiện một kiểu thù ghét khá trẻ con. Nếu như nguyên nhân của mối thù truyền kiếp này được khai thác sâu và thuyết phục hơn, bộc lộ rõ được sự ảnh hưởng đến định kiến của các thế hệ sau, thì khán giả sẽ dễ dàng hiểu và đồng cảm hơn nhiều.
Từ trái qua phải: Oboro, Gennosuke, Tenzen, Okoi, Yashamaru
Bù lại đó thì Basilisk khá mạnh ở khoản nhân vật, nếu không có họ thì bộ phim mất phần lớn sức hấp dẫn và không khác gì một bộ thuần shounen. Với số lượng đông đảo xấp xỉ 20 người thì anime đã quản lí khá tốt, phân chia thời lượng lên hình tương đối hợp lí. Tất cả họ đều đa dạng cả về ngoại hình, tính cách lẫn đời sống tình cảm. Càng về sau thì xử lí nhân vật tốt dần lên, các mối quan hệ càng phức tạp và bộc lộ suy nghĩ rõ ràng hơn. Thông qua hồi tưởng quá khứ và tương tác với các nhân vật khác, anime cố gắng khiến người xem hiểu và cảm thông với bi kịch của họ. Mặc dù trong phim có rất nhiều thương vong nhưng không ai bị loại bỏ khỏi câu chuyện một cách bất cẩn, mà luôn liên kết và tạo điều kiện phát triển các nhân vật khác cũng như thúc đẩy cốt truyện.

Oboro và Gennosuke là hai nhân vật chính và chiếm thời lượng lên hình nhiều nhất. Họ bị mắc kẹt trong tình huống tiến thoái lưỡng nan giữa gánh nặng của người lãnh đạo và tình cảm cá nhân. Đây không chỉ là cuộc chiến giữa hai gia tộc mà còn là cuộc chiến giữa trái tim và lí trí, vậy nên hai nhân vật này dễ thể hiện được mâu thuẫn nội tâm tốt nhất. Tuy nhiên những gì họ bộc lộ trong anime lại chứng minh điều ngược lại. Oboro mặc dù khóc lóc, đau khổ nhiều nhưng thể hiện rất ít sự giằng xé; vì cô cam chịu, không có ý chí đấu tranh giữa tình yêu và trách nhiệm. Gennosuke thì phức tạp hơn một chút nhưng lại trầm lặng, ít biểu lộ nội tâm. Cứ thế họ lỡ mất cơ hội trở thành những nhân vật chính hay.

Một người nữa lặp lại điều tương tự đó là Tenzen. Khán giả dễ dàng bị cuốn hút bởi sự bí ẩn của ông ta cả về năng lực, tính cách và quá khứ. Xuyên suốt anime, Tenzen luôn tỏ ra là một người không hề đơn giản, tạo dự cảm về một bí mật đằng sau khá ấn tượng. Tuy nhiên khi mọi thứ được tiết lộ thì thật khó để thông cảm với động cơ của nhân vật này. Với một người thông minh, sâu sắc và sống lâu như Tenzen thì cần một lí do thuyết phục hơn, một động cơ mạnh mẽ hơn bất kì nhân vật nào khác để sinh lòng thù hận trong một thời gian dài như thế. Và vậy là một lần nữa Basilisk đã biến một vai đáng nhớ trở nên tầm thường.
Từ trái qua phải: Akeginu, Hyouma, Koshirou, Hotarubi, Saemon
Nói như vậy không có nghĩa là dàn nhân vật chính yếu, mà chỉ là các nhân vật phụ sống động và ấn tượng hơn. Họ có nhiều thời gian để khai thác nội tâm và bi kịch. Đơn cử như Hyouma được dành hẳn một tập hồi tưởng để thấy được sự trung thành và khí chất của anh ta. Akeginu và Koshirou thì có tâm lí khá phức tạp, đặc biệt là Koshirou là nhân vật khác biệt nhất so với manga. Sự thụ động trong anime trái ngược với tính cách kiêu ngạo trong truyện, nhưng nhờ đó lại thể hiện được nhiều mâu thuẫn nội tâm giữa tình yêu và mệnh lệnh. Còn Hotarubi là một cô gái tàn nhẫn, ích kỉ nhưng lại rất thủy chung. Bản thân cô đã đóng góp hai cảnh phim xúc động và có chiều sâu trong anime, đó là khi cảm nhận được Yashamaru chết và cái chết của chính cô.

Tuy nhiên vai diễn hay nhất lại thuộc về Saemon. So với những người khác thì anh ta bất lợi nhất về tạo hình. Thường thì nhân vật càng trông tầm thường thì càng ít quan trọng và dễ chết sớm. Song đây là nhân vật duy nhất phát triển và có nhiều biến động trong toàn bộ series. Anh ta là một sát thủ chuyên nghiệp, giỏi che giấu cảm xúc và cũng rất “được việc” (góp công giết được nhiều người nhất). Khoảnh khắc Saemon chứng kiến Okoi chết có lẽ là cảnh hay nhất anime, thể hiện được sự bất lực và đau đớn từ ánh mắt, cách ngồi im lặng, lắc tay cho đến tiếng gọi thầm “Okoi! Okoi!” trong vô vọng. Từ đây Saemon có sự chuyển biến tính cách rõ rệt. Ban đầu anh tỏ ra trung lập về chuyện nội bộ hai gia tộc, chỉ yêu thích cuộc sống bình yên bên cạnh Okoi, nhưng so sánh lúc ra tay với Hotarubi sau này thì hoàn toàn trái ngược: tàn bạo, vô cảm và đầy thù hận.

Nếu dừng lại ở đó thì anh ta vẫn chưa có gì hơn các nhân vật trên, cái hay bắt đầu ở chỗ anh ta bị ảnh hưởng bởi chính những người mình giết. Một phần vì năng lực của Saemon là lừa lọc, phản bội, gây ra những cái chết đau đớn nhất về tinh thần. Phần nữa là các nạn nhân này có quan hệ mật thiết với nhau. Chứng kiến hàng loạt bi kịch và cảm nhận được tình cảm sắt son giữa họ, anh bắt đầu nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến. Vì bản chất nhân từ, vì lí trí của một ninja giỏi, vì sự đồng cảm của một người anh mất đi em gái và vì có nhiều cơ hội gần gũi với các thành viên của Iga, Saemon dần dần thay đổi. Từ việc giết Yashamaru một cách vô cảm, anh ta đã gật đầu thương hại khi Hotarubi chết, rồi trăn trở sau khi lừa Koshirou và cuối cùng không nỡ ra tay với Akeginu: “Có quá muộn không để hiểu về người Iga”. Tất cả đã giúp Saemon hoàn thành một vai diễn khó quên.

Tuy vậy sẽ tốt hơn nếu Basilisk giảm số lượng nhân vật. Một bộ phim cần nhiều nhân vật làm gì nếu như gần một nửa trong số đó chỉ xuất hiện 30 phút, chưa được khai thác đến nơi đến chốn đã chết đi. Tất cả giống như được thêm vào cho đủ 20 người chứ không có đóng góp đáng kể nào cho nội dung phim. Chúng ta cũng chưa kịp hiểu gì về họ nên việc họ chết không đem lại cảm xúc gì. Số còn lại thì mặc dù có chiều sâu nhưng lại ít phát triển.
Về mặt hình ảnh, Basilisk sở hữu art đẹp mắt và có phong cách riêng. Anime dùng rất ít CGI như hiệu ứng mặt nước hay đàn bướm của Hotarubi nhưng lần nào cũng thực hiện rất đẹp và khéo léo. Các cảnh quan kiến trúc phù hợp với lịch sử và được vẽ chi tiết từ nhà kho, con tàu, phòng trọ cho đến lâu đài hay toàn cảnh nơi ở của hai phái. Toàn bộ anime được phủ một tông màu lạnh và tối gợi không khí căng thẳng, rùng rợn của cuộc chiến và cảm giác xa cách, lạnh nhạt giữa hai gia tộc. Được sử dụng nhiều hơn cả là màu tím, đây là màu tượng trưng cho sự thủy chung và gợi buồn. Khó có màu sắc nào tạo nên sự ảm đạm, u hoài cho anime phù hợp hơn thế nữa. Điểm trừ là hầu hết các cảnh phim diễn ra vào buổi tối, trong khi đó các nhân vật cũng thường mặc đồ gam màu tối nên kém nổi bật và khó nhìn.

Thiết kế nhân vật nhìn chung không có thay đổi lớn so với manga, nhưng nên thay đổi thì tốt hơn. Các nhân vật được vẽ rất đậm; râu tóc, mày mi rậm rạp. Cơ thể người thì quá khổ và mắt quá lớn so với khuôn mặt làm giảm đi sự quyến rũ của các nhân vật nữ. Một số thì xấu xí như Danjyou và Ogen, thật khó hình dung họ thay đổi mạnh như vậy so với thời trẻ. Một số thậm chí rất kì quặc, dị dạng, giống vai phản diện một bộ anime siêu nhiên nào đó hơn là con người bình thường, có thể kể đến như Syougen, Jyuubei, Rousai, Jigorou… Các nhân vật còn lại trông rất giống nhau vì không có điểm nhấn riêng. Sẽ mất một thời gian để người xem có thể phân biệt được Hyouma và Tenzen, Kagerou và Akeginu, Koshirou và Yashamaru...

Về âm nhạc, Basilisk sở hữu background music hay với số lượng khá phong phú. Chúng có nhịp điệu rất hợp với anime ninja, kết hợp nhiều nhạc cụ dân tộc như trống kèn, đàn tranh, sáo… hay là tiếng hô đồng thanh tương tự trong Naruto. Điều đó cũng giúp âm nhạc mang màu sắc lịch sử truyền thống. Tuy nhiên ngoài các cảnh romance thì nhạc nền ở đây được lồng ghép chưa thực sự hay, ít có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng hoặc tạo dựng không khí. Các hiệu ứng âm thanh random, thậm chí có lúc hơi ồn ào. Bài hát Opening chỉ slideshow hàng loạt nhân vật và không tạo điểm nhấn nào đáng nhớ, nhưng bù lại hai bài Ending đều hay và bắt tai. Các diễn viên lồng tiếng thì hoàn thành tương đối tốt vai trò của mình.

Nhìn chung Basilisk không phải một bộ xuất sắc nhưng nó có thể phù hợp với nhiều người, trừ khi bạn không chịu được tình cảm sến sến và tragedy. Giải thích cho tựa đề của anime, Basilisk là tên của một quái thú trong thần thoại Hi Lạp thường được cho là có đầu gà, mình rắn và có khả năng hóa đá/giết người chỉ bằng ánh mắt. Có thể nó ngụ ý đến năng lực của Oboro, đó là hóa giải được mọi thuật ninja của bất cứ ai nhìn vào mắt. Vậy nó có hóa giải được mối hận lâu đời hay không? Tình yêu của Oboro và Gennosuke có thể hàn gắn được hai gia tộc hay không? Hãy xem để biết kết quả nhé.
Overall: 7
Người viết: Hazy Nguyen
* Mọi trích dẫn từ bài viết này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Được tạo bởi Blogger.