Labels

Entri Populer

SỰ TIẾN HÓA CỦA NHỮNG CHIẾC MŨI TRONG ANIME

Mũi là một phần rất quan trọng trong hội họa, vì nó nằm ngay trung tâm khuôn mặt của người và động vật. Với công nghệ ngày càng phát triển, hoạt họa và đồ họa cũng ngày càng được nâng cao. Vậy qua nhiều năm thì thiết kế những chiếc mũi trong anime đã thay đổi như thế nào? Hãy cùng xem thời gian và công nghệ đã “tiến hóa” bộ phận cơ bản này của con người ra sao nhé.

Những năm 80

Summer 1983 - Magical Angel Creamy Mami
Cũng như các phần khác trên khuôn mặt thì chiếc mũi trong anime thường không được vẽ sát thực. Trong anime shoujo idol kinh điển ở trên thì nhân vật chính Yuu có một chiếc mũi nhỏ và hơi cong. Phần bên dưới nở rộng hơn và có điểm nhấn, tạo nên chiếc mũi tròn rất đáng yêu. Style này cũng xuất hiện ở một loạt anime khác như Sasuga no Sarutobi và Kimagure Orange Road.
Một người bạn của Yuu là Toshi cũng có một chiếc mũi cong. Nhưng ở đây phần đỉnh mũi lớn hơn một chút, cả sống mũi cũng được vẽ rõ không giống như Mami. Có thể nói từ hồi đó đã có sự phân biệt giữa mũi của nam và nữ.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu xu hướng có rất ít kiểu mũi cho nhân vật nữ trong anime. Mũi của phụ nữ và các cô gái chỉ được vẽ hoặc là tròn đầy đáng yêu, hoặc là có đỉnh nhọn như Megumi ở trên. Một số chiếc mũi nhọn như thế còn sắc đến mức có thể dùng làm vũ khí như trong Majokko Megu-chan hoặc Detective Conan.
Mũi của các thành viên nam trong hội đồng công ty tìm kiếm tài năng của Yuu được minh họa bằng nhiều kiểu thú vị khác nhau. Nhưng cũng như các cô gái trẻ đẹp thì những chàng trai đã được định trước là đẹp trai hơn sẽ được vẽ mũi nhọn giống Megumi. Từ đó dẫn đến tiêu chuẩn mũi của anime đó là ai có mũi thon nhọn tức là người ấy rất hấp dẫn. Nếu muốn thấy nhiều kiểu mũi nam khác nhau thì loạt phim Lupin III là một ví dụ tốt, nhất là đối với các nhân vật phụ.
Winter 1986 – Dragon Ball
Series Dragon Ball ra đời vào khoảng giữa những năm 80 và là mở đầu cho những chiếc mũi chấm phá không có sống mũi như Goku. Khác với nhiều nhân vật khác về sau, chiếc mũi của cậu vẫn giữ nguyên hình dạng dù khuôn mặt có thay đổi như thế nào. Thay đổi lớn nhất phải kể đến Bulma có đường mũi mỏng hơn.
Winter 1989 - Legend of the Galactic Heroes
Mũi của Reinhard và Siegfried được thiết kế không hề đơn giản, chúng rất sống động và có cả lỗ mũi. Đáng tiếc là các nhân vật anime thường không có đặc quyền ngửi như thế này, nên phải đến lâu sau kiểu mũi này mới được dùng lại.

Những năm 1990

Spring 1992 - Sailor Moon
Sailor Moon ra mắt vào những năm 90 và phổ biến rộng rãi những chiếc mũi nhọn. Kể từ đó, hầu hết các nhân vật đều được vẽ mũi cong nhọn hơn là tròn trịa. Trong Oniisama e… cũng vậy.
Nhìn lướt qua thì Tuxedo Mặt Nạ có cùng kiểu mũi như Usagi, nhưng nhìn kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện sống mũi anh ấy thẳng giống như họa sĩ dùng thước kẻ vậy.
Summer 1997 - Pokemon
Vào khoảng cuối những năm 90, chúng ta thấy những chiếc mũi được vẽ bằng một đường thẳng khi nhân vật nhìn chính diện. Từ trước đó cũng đã xuất hiện kiểu mũi này như của Ash, nhưng nó ngắn hơn và đường thẳng này trở nên dài ra ở các thế hệ sau. Khi Ash nhìn thẳng vào máy quay, mũi cậu ấy giống như bị kéo lệch sang một bên vậy.
Misty đã cho chúng ta thấy sự lột xác từ những chiếc mũi hơi tròn đáng yêu kiểu cổ điển thành chiếc mũi nhọn xinh xắn, mà không cần sống mũi như Sailor Moon. Nó cũng khá giống ký hiệu dấu lớn hơn, bé hơn (> <) trong môn Toán cơ bản. Một ví dụ khác của kiểu mũi này là trong Kodomo no Omocha.
Spring 1998 - Cowboy Bebop
Mũi của Spike có thể nói là một ví dụ chân thực nhất khi có cả lỗ mũi, nhọn ít hơn và đổ bóng.
Như mọi khi thì cánh đàn ông luôn có nhiều kiểu mũi hơn. Ví dụ như chiếc mũi hình mũi tên của Jet, hay nhiều kiểu dáng khác đến từ các nhân vật phụ trong Cowboy Bebop. Domon Ishijima trong Rekka no Honoo cũng là một ví dụ hay về chiếc mũi quá khổ.

Những năm 2000

Summer 2001 - Fruits Basket
Bước sang thế kỷ mới thì giới tính các nhân vật có sự khác biệt ít đi. Trong series shoujo Fruits Basket, cả nam và nữ đều được vẽ mũi nhọn, có thể thấy ở trên mũi của Yuki chỉ lớn hơn một chút so với Tohru.
Tuy vậy, mũi của các nhân vật lại rất khác khi họ nhìn thẳng vào máy quay. Ở đây, chúng ta thấy mũi của Tohru gần như biến mất, chỉ còn lại một nét nhỏ và bóng đổ. Có khi bạn sẽ phải thắc mắc liệu cô ấy có ngửi được với một chiếc mũi nhỏ xíu như vậy không.
Fall 2002 - Naruto
Các nhân vật trong Naruto có thể thở phào vì họ đã có lỗ mũi – chính là hai chấm nhỏ ngay phía dưới. Giống như trước đây thì phần dưới mũi đã được nhấn mạnh, nhưng giờ được vẽ bằng bóng đổ thay vì đường cong.
Khi nhìn ngang, mũi của Naruto được họa sĩ vẽ đúng với kiểu mũi trẻ con nhưng thật hơn so với các anime trước đây. Nó không còn đỉnh nhọn nữa mà được vẽ tỉ mỉ và tròn trịa. Phần dưới mũi có cả bóng đổ và lỗ mũi khiến chúng nhìn thật hơn.
Fall 2006 - Code Geass
Khi nhìn một bên thì Lelouch có một chiếc mũi sắc nhọn như Ash và Misty. Tuy nhiên, khi nhìn chính diện, kiểu mũi này đã được phát triển từ thiết kế đơn giản của những năm 90. Toàn bộ chiếc mũi được vẽ bóng thay vì chỉ một phần nhỏ, còn đường thẳng được kéo dài ra tạo nên sống mũi hoàn chỉnh.
Như thường lệ trong anime, những người đàn ông lớn tuổi trong Code geass thường có mũi to hơn các chàng trai trẻ. Giống như họ bị dính lời nguyền càng nhiều tuổi hơn thì mũi càng to ra vậy… Ít nhất thì phụ nữ được đảm bảo an toàn trước lời nguyền đó, vì gái đẹp không bao giờ có mũi to được.
Một điểm khác biệt quan trọng khác giữa đàn ông lớn tuổi và người trẻ đó là độ cong của chiếc mũi. Hầu hết các chàng trai hấp dẫn sẽ có đường cong của mũi giống phụ nữ, còn thế hệ lớn tuổi hơn thì mũi giống như thừa ra khỏi khuôn mặt vậy.

Từ 2010 đến nay

Spring 2010 - Angel Beats!
Đây chính là sự trở lại của những chiếc mũi nhọn, nhưng nhỏ hơn nhiều so với những năm 80 và 90. Kiểu đồ họa Fruits Basket tiếp tục được sử dụng khi những chiếc mũi gần như biến mất trên khuôn mặt. Điều này có thể thấy rõ trong Nisekoi, Magi: The Labyrinth of Magic và Soredemo Sekai wa Utsukushii.
Winter 2015 - Assassination Classroom
Một xu hướng khác trong thập kỷ này đó là sự khác biệt giữa những kiểu mũi trong anime shoujo và shounen. Mũi trong anime shounen thường thiên theo hướng hiện thực, còn shoujo thì chú trọng về độ dễ thương (làm gì có con gái nào không thích mấy thứ dễ thương). Và như ta thấy ở đây, sự khác biệt về mũi giữa nam và nữ của các học sinh lớp E gần như không còn.
Chúng ta đã đi từ những chiếc mũi nhỏ đầy đặn, đến mũi nhọn nguy hiểm chết người, và giờ là những nét chấm trong quá trình lịch sử của những chiếc mũi trong anime. Hy vọng bạn thích chuyến khám phá này.
Nguồn: MAL
Người dịch: Celery
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi rõ nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

TOP 10 BÀI HÁT ANIME NỔI TIẾNG NHẤT

Có những anime để lại cho khán giả nhiều ấn tượng về câu chuyện hay, nhân vật đáng nhớ hay hình ảnh đẹp lung linh. Nhưng cũng có khi người ta dễ dàng bị lôi cuốn chỉ bởi một bài hát trong phim. Đó có thể là ca khúc Opening, Ending hoặc một bài bất kì xuất hiện trong các cảnh phim. Nhưng tổng chung lại, một bài hát hay sẽ luôn được yêu thích và nhớ đến rất lâu, gợi nhắc người xem về anime chỉ qua giai điệu và ngôn từ của nó. Sau đây hãy cùng TopTenHazy điểm lại những ca khúc anime nổi tiếng nhất cho đến nay nhé.

10. A cruel angel's thesis (Neon genesis evangelion)

Bài opening đến từ một bộ anime cực kì nổi tiếng Neon genesis evangelion. A cruel angel's thesis vừa mang nhịp điệu sôi động, bắt tai; vừa đậm chất cổ điển của nhạc phim những thập niên trước. Cho đến nay, hơn 20 năm kể từ ngày đầu tiên ra mắt nhưng nó vẫn được mọi người vô cùng yêu thích. Nhiều phiên bản của bài hát này đạt được các vị trí cao trong bảng xếp hạng Oricon, đồng thời nó cũng được xem là một trong những anime Opening đặc sắc nhất mọi thời đại.

9. Unravel (Tokyo ghoul)

Với những ai xem anime gần đây đều biết đến Tokyo ghoul thì bài opening Unravel không còn quá xa lạ. Mở đầu với âm điệu nhẹ nhàng rồi tăng nhịp nhanh chóng, cộng hưởng với điệp khúc đậm chất rock sôi động khiến cả bài hát thật sự ấn tượng. Không chỉ vậy, minh họa cho ca khúc là phần hình ảnh tuyệt đẹp, đầy tính mỹ thuật từ cách phối màu cho đến khắc họa các chi tiết biểu tượng. Dù xung quanh chất lượng anime vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng bất kì ai cũng phải đồng ý rằng bài Opening này thật đặc biệt.

8. Only my railgun (A Certain Scientific Railgun)

Bài Opening Only my railgun mang giai điệu mạnh mẽ và cao vút khiến phần mở đầu của A Certain Scientific Railgun trở nên cực kì sôi động. Với phần trình bày của bộ đôi fripSide, ca khúc này đã có màn debut xuất sắc ở vị trí thứ ba của bảng xếp hạng Oricon Singles. Không chỉ vậy nó còn đạt được giải Bài hát chủ đề hay nhất do khán giả bình chọn của Radio Kansai năm 2010.

7. Koi wa Chaos no Shimobe Nari (Haiyore! Nyaruko-san)

Bài opening với giai điệu cực kì rộn ràng, hiện đại và dễ thương này khiến bất cứ ai cũng muốn nhún nhảy và thưởng thức bộ phim ngay lập tức. Koi wa Chaos no Shimobe Nari đã mang đến cho Haiyore! Nyaruko-san phần mở màn không thể phấn khích và náo nhiệt hơn. Không những vậy, bài hát này còn nổi tiếng với đoạn điệp “San chi pinchi” được các fan nói lái hài hước thành “Sons of bitchs”.

6. Share the world (One Piece)

Ở vị trí thứ 6, độ nổi tiếng của One piece thì không cần phải bàn cãi. Do khá dài nên anime có rất nhiều opening, trong đó Share the world đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Với giai điệu hiện đại và điệp khúc bắt tai, bài hát Opening 11 này nhanh chóng được yêu thích. Độ phủ sóng rộng rãi của nó còn gắn liền với nghệ sĩ trình bày DBSK – nhóm nhạc lừng danh hàng đầu châu Á thời bấy giờ. Sự kết hợp giữa hai tên tuổi lớn One Piece và DBSK cũng đủ để đưa Share the world trở thành một hit lớn của làng nhạc anime.

5. My Soul, Your Beats! (Angel beats!)

Là bài opening của bộ anime cảm động Angel beats nên bài hát cũng xuất hiện ở những đoạn phim vô cùng xúc động, lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Chất giọng ngọt ngào của ca sĩ nổi tiếng Lia cùng với âm điệu bay bổng, sâu lắng đã khiến My Soul, Your Beats được nhiều người xem ưa thích. Bài hát này thực sự là một Opening phù hợp hoàn hảo với Angel beats.

4. Motteke! Sailor Fuku (Lucky star)

Thêm một bài opening khác năng động không kém đó là Motteke! Sailor Fuku. Đến từ một anime moe hàng đầu nên hình ảnh lẫn giai điệu của ca khúc này đều cực kì dễ thương. Các diễn viên lồng tiếng Aya Hirano, Emiri Katou, Kaori Fukuhara và Aya Endo đã không làm fan thất vọng bởi sự tươi tắn, trẻ trung và tràn đầy năng lượng mà nhóm truyền tải qua bài hát. Góp phần gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem còn là hình ảnh các nhân vật nhảy cổ động vô cùng bắt mắt và đáng yêu.

3. One Reason (Deadman wonderland)

Deadman wonderland là anime khá đen tối nên một bản nhạc rock là hoàn toàn phù hợp để mở đầu. Với lời nhạc bằng tiếng anh và chất rock mạnh mẽ đậm chất "deadman", One Reason lôi cuốn và khiến người xem phấn khích. Sự rùng rợn, đáng sợ toát trong từng câu chữ, âm điệu và cả phần hình ảnh. Tất cả đã khiến toàn bộ Opening trở thành một tổng thể khó quên. Không nghi ngờ tại sao bài hát này lại nổi tiếng đến vậy.

2. God knows... (The melancholy of Haruhi Suzumiya)

Bài hát xuất hiện trong buổi trình diễn của Haruhi ngay lập tức đã trở thành một hit lớn, góp phần đưa anime The melancholy of Haruhi Suzumiya trở nên nổi tiếng. Trong bộ hoá trang thỏ cực kì dễ thương, Haruhi đã cất lên những giai điệu trẻ trung, lôi cuốn. Sự thể hiện tuyệt vời của Aya Hirano trong vai diễn này đã giúp cô đạt được giải thưởng Nữ diễn viên lồng tiếng xuất sắc nhất của Japaness Animation Award.

1. Guren no Yumiya (Attack on Titan)

Một trong những Opening ít bài nào sánh bằng cả về sự hùng tráng, độ nổi tiếng, được yêu thích và những thành tựu đạt được, đó chính là Guren no Yumiya. Lời bài hát pha giữa tiếng Nhật và Đức khá độc đáo, cùng với đó là âm hưởng đầy chất bi tráng của chiến tranh, Guren no Yumiya dường như được sinh ra để dành cho Attack on Titan. Không chỉ góp phần giúp anime này trở thành một trong những tựa phim hành động ấn tượng nhất, bài hát còn đưa ban nhạc Linked Horizon một bước lên đến đỉnh cao.
Bạn có đồng ý với Top 10 này không? Hãy để lại bình luận tại sao nhé.
Tổng hợp: Anh Duy
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

TOP 10 TSUNDERE NỔI TIẾNG NHẤT TRONG ANIME

Có lẽ những ai yêu thích anime không còn xa lạ với khái niệm Tsundere. Đó là thuật ngữ thường chỉ mẫu nhân vật nữ mang nét tính cách cứng rắn, mạnh mẽ bên ngoài; nhưng thực chất đó chỉ là vỏ bọc cho bản chất mềm yếu, rất dễ ngại ngùng, đáng yêu. Đây là kiểu nhân vật nữ chiếm số lượng đông đảo nhất và được yêu thích nhất trong anime nói chung. Sự chuyển đổi giữa “Tsun” cá tính và “Dere” dễ thương của các cô nàng này luôn khiến bao chàng trai phải xiêu đổ. Sau đây hãy cùng TopTenHazy điểm lại những Tsundere nổi tiếng nhất nhé.

Taiga Aisaka (Toradora!)

Taiga Aisaka là nhân vật nữ chính của anime Toradora. Cô khá nổi tiếng với đám trẻ con, một phần cũng là do ngoại hình khá nhỏ nhắn đáng yêu của mình. Dù dễ thương nhưng cô lại khá kiêu ngạo. Cô rất vụng về và luôn muốn che giấu điều đó nhưng nó không thể qua mắt được Ryuuji. Đây là một mẫu nhân vật điển hình của tính cách tsundere, thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng, cảm xúc luôn không ổn định và ra quyết định chỉ dựa trên cảm tính. Nhưng sau tất cả thì Taiga vẫn là một cô gái tốt bụng. Câu nói nổi tiếng của cô là: “Không sao, tôi có thể đứng lên một lần nữa sau tất cả bằng chính bản thân mình. Ngay cả khi tôi chỉ có một mình, tôi vẫn sẽ sống sót”.

Chitoge Kirisaki (Nisekoi)

Chitoge Kirisaki là nhân vật nữ chính của bộ phim Nisekoi. Cô đóng vai bạn gái giả của Raku Ichijou trong ba năm học ở trường để ngăn chặn một cuộc chiến tranh bắt đầu từ gia đình của họ. Cô có đôi mắt nổi bật màu xanh và mái tóc dài dài ngang lưng màu vàng cùng với chiều cao tiêu chuẩn. Đáng chú ý là chiếc ruy băng đỏ mà cô luôn sử dụng để buộc tóc. Cha cô là người lãnh đạo khét tiếng của băng đảng Bee Hive Gang, vì thế đã gây ra nhiều vấn đề cho Chitoge trong tuổi thơ. Cô đã không thể kết bạn một cách dễ dàng do vệ sĩ đi kèm 24/24 - Claude. Đây cũng là một nhân vật Tsundere điển hình và được nhiều khán giả yêu mến.

Asuka Langley Soryu (Neon genesis evangelion) 

Asuka Langley Soryu là một nhân vật nữ nổi bật trong Neon genesis evangelion. Asuka mang dòng máu Đức và Nhật Bản, nhưng lại có quốc tịch Mỹ. Cô có mái tóc màu đỏ nâu, là con gái của nhà khoa học Kyoko Zeppelin Soryu. Mẹ của cô đã gặp tai nạn trong quá trình nghiên cứu và bị điên, rồi tự sát. Asuka là một thần đồng và đã có bằng đại học khi mới 14 tuổi. Cô luôn tự tin vào tài năng của bản thân, đồng thời cũng đố kị với Rei và coi thường Shinji. Tuy nhiên, đó chỉ là lớp vỏ bọc để cô che đậy tâm hồn yếu đuối của mình. Khi Shinji thể hiện tài năng và trở thành phi công giỏi hơn, Asuka mất đi chỗ bấu víu vào cuộc sống và dần dần lún sâu vào con đường của mẹ cô. Có thể nói Asuka là một trong những mẫu hình tượng Tsundere kinh điển đầu tiên đã gợi cảm hứng ra đời cho trào lưu Tsundere sau này.

Nagi Sanzenin (Hayate no Gotoku!)

Nagi Sanzenin là nhân vật nữ chính trong anime Hayate The Combat Butler. Cô là người thừa kế duy nhất của nhà Sanzenin, cũng là người sống sót duy nhất trong gia đình cùng với ông mình. Nagi có ngoại hình nhỏ nhắn, mái tóc vàng dài được buộc thành hai đuôi và đôi mắt màu xanh lá cây được thừa hưởng từ cha mẹ. Nagi khá nóng tính, ương bướng, chống đối lại mọi người xung quanh. Cô cũng ghét thất bại và phải thừa nhận lỗi lầm của mình. Tuy vậy, Nagi lại rất giỏi tài chính và thích tìm tòi về những điều mình thích. Cô luôn chăm sóc cho gia đình và bạn bè, nhưng không muốn thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách trực tiếp. Cô là một cô gái tinh nghịch và rất tsundere nữa.

Hitagi Senjougahara (Monogatari series)

Hitagi Senjougahara là nhân vật trong Monogatari series, một nữ sinh năm thứ ba của trường trung học tư nhân Naoetsu. Hitagi là một cô gái xinh đẹp với mái tóc dài màu tím và đôi mắt xanh thơ mộng. Cô có số đo rất hoàn hảo và hấp dẫn. Mặc dù vậy, cô vẫn khá yếu đuối so với bạn bè cùng trang lứa do ít tham gia vào các hoạt động của trường. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ với Koyomi Araragi, cô được tiếp xúc với những người xa lạ khác và điều đó làm nên một trải nghiệm thay đổi cuộc sống của Hitagi. Cô tự gọi mình là một tsundere và có một số hiểu biết về văn hóa otaku, miệng lưỡi rất sắc bén và đặc biệt là luôn giữ cho mình thái độ áp đảo khi nói chuyện với người khác.

Shana (Shakugan no Shana)

Shana là nữ chính trong bộ anime chuyển thể từ manga Shakugan no Shana. Cô là Flame Haze - chiến binh bảo vệ cho sự cân bằng của thế giới. Shana có vóc dáng một cô gái trẻ với mái tóc đỏ rực cháy và đôi mắt màu nâu sẫm, thường vận đồ đen nhưng trông rất “moe”. Ban đầu, tính cách của cô rất lạnh lùng và vô cảm, chỉ chăm chú vào công việc bảo vệ nhân loại khỏi Crimson Denizens. Cô không quan tâm cho họ mà chỉ thực sự quan tâm đến việc giữ gìn sự cân bằng của thế giới, thậm chí sẵn sàng hy sinh cuộc sống của con người để làm như vậy. Nhưng dần dần cô đã không còn lạnh lùng. Cô có đặc điểm rất đáng yêu, khi tức giận hay lúc xấu hổ đều nói "Urusai! Urusai! Urusai!" (“Câm ngay! Câm ngay! Câm ngay!”) 

Louise Françoise Le Blanc de La Vallière (Zero no Tsukaima)

Tên đầy đủ của Lousie là Louise Françoise le Blanc de la Vallière (một cái tên khá dài nhỉ), là nữ chính trong anime Zero no Tsukaima. Cô thường bị gọi bằng biệt danh Zero, là con gái thứ ba xinh đẹp của gia đình quý tộc La Vallière, đồng thời cũng là phù thủy tồi tệ nhất của mọi thời đại. Phép thuật được dựa trên bốn yếu tố là Lửa, Gió, Nước và Đất, nhưng Louise chẳng thuộc về yếu tố nào cả, nên khi nào cũng phù phép hỏng. Nhưng cô gái tóc hồng dễ thương và siêu tsundere này lại có khả năng đặc biệt: kiểm soát yếu tố thứ năm – Vô. Trong một lần triệu hồi linh thú, cô đã triệu hồi ra một chàng trai loài người Saito và dần dần nảy sinh tình cảm với anh. Cô trở nên rất nóng tính khi nhìn thấy Saito thân thiết với cô gái khác.

Kirino Kousaka (OreImo)

Kirino Kousaka là nhân vật nữ trong anime Ore no Imouto ga Konnani Kawaii Wake ga Nai và là con út trong gia đình Kousaka. Cô có mái tóc dài nâu sáng và đôi mắt màu xanh. Kirino là một overachiever, là người dường như sống trong một cuộc sống hoàn hảo - thần tượng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, cô giữ một bí mật rất lớn đối với gia đình mình: cô là một otaku cuồng nhiệt. Trong cách giao tiếp ban đầu với Kyousuke, Kirino thể hiện tính cách rất "tsundere", hống hách và chiếm ưu thế hơn. Cô thường chỉ thể hiện sự hứng thú, quan tâm đến bất cứ điều gì cô cho là thú vị, từ việc học tập, thể thao hay các hoạt động khác liên quan đến sở thích của mình.

Rin Tohsaka (Fate series)

Rin Tohsaka là một trong ba nhân vật nữ chính của anime đình đám Fate/stay night, một học sinh gương mẫu và cũng là thần tượng của trường. Nhưng thực ra, cô là một pháp sư và là Master trong Holy Grail War. Cô là hậu duệ của một dòng họ pháp sư lâu đời. Mặc dù không được dạy về ma thuật chính thức, song cô vẫn có thể tự rèn luyện để trở nên cực kì mạnh. Cô có cá tính mạnh mẽ và tsundere. Rin rất sắc sảo, thông minh và hiếu thắng. Cô đã rất nỗ lực trong việc triệu hồi Servant trường phái Saber nhưng thay vào đó lại nhận được Archer. Câu chuyện về cuộc sống của Rin khá thú vị xoay quanh những tình huống tsundere của cô.

Mikoto Misaka (Toaru Majutsu no Index)

Mikoto Misaka là một trong những nhân vật nữ chính trong Toaru Majutsu no Index. Cô cũng là người thứ ba xếp hạng Cấp 5 Esper trong Học viện thành phố. Mikoto có mái tóc màu hạt dẻ và đôi mắt mang màu sắc gần giống như mái tóc. Cô khá đặc biệt vì luôn luôn mặc quần short dưới mỗi chiếc váy hay các trang phục khác. Mikoto thích sự đơn độc, rất thông minh, nhạy bén, giải quyết được mọi vấn đề một cách dễ dàng. Cô còn cho thấy một khía cạnh vô cùng chín chắn, thậm chí có lúc còn hơi ích kỉ và cả khuynh hướng tsundere. Mặc dù vậy, Mikoto thường là nhân vật rất thân thiện và dễ tính.
Bạn có đồng ý với Top 10 này không? Hãy để lại bình luận tại sao nhé.
Tổng hợp: Itadakimasu
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi chú nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com

MOBILE SUIT GUNDAM: NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU VÀ CÓ GÌ ĐÁNG XEM

Bạn không cần phải là fan của Gundam thì mới xem được những phần Gundam mới nhất. Anime gần đây nhất Iron Blooded Orphans hoàn toàn độc lập, diễn ra trong bối cảnh riêng tách biệt với phần lớn Gundam multiverse (Các vũ trụ Gundam).
Bạn có thể sẽ thích Iron Blooded Orphans nhưng kể từ đây thì mọi thứ sẽ bắt đầu phức tạp hơn. Trong suốt 36 năm qua, loạt phim Gundam đã viết nên những trang vàng lịch sử và được xưng tụng là huyền thoại. Nếu cứ xoi mói những bộ dở thì bạn khó có thể nắm bắt được toàn bộ mạch của loạt phim.
Hẳn gần đây các bạn cũng đã đọc bài viết của mình về cách tạo ra Gunpla đầu tiên cho bản thân, hoặc là bài Review về Iron Blooded Orphans ngay trên trang web này. Mình là fan bự của Gundam cũng 15 năm rồi, từ cái thời Gundam Wing phát sóng trên Toonami cơ. Bài viết dưới đây bao gồm những đánh giá chủ quan của mình, dành cho các fan muốn biết loạt phim Gundam kể về cái gì nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Mình sẽ tổng hợp lại nhiều vũ trụ Gundam và các anime diễn ra ở mỗi vũ trụ đó, hy vọng đáng để các bạn bỏ thời gian ra đọc.

I. Universal Century (Kỷ nguyên vũ trụ)

Là gì? Là timeline (tuyến thời gian) đầu tiên của loạt phim Gundam, bắt đầu với Mobile Suit Gundam năm 1979 – anime Gundam đầu tiên được công chiếu. Thuộc timeline lâu đời nhất nên bộ phim này cũng để lại dấu ấn văn hóa rộng lớn nhất. Nếu bạn từng xem qua các parody hay tranh ảnh về Gundam thì hầu hết trong số đó đều từ đây mà ra. Phần lớn các phần của series Gundam đều diễn ra trong timeline Universal Century (UC).
Về nội dung? Kể về các sự kiện của One Year War (Chiến Tranh Một Năm), một cuộc xung đột giữa Trái Đất và các thuộc địa không gian đối địch. Liên bang Trái Đất được coi là phe chính diện, còn Cộng hòa Zeon là phe phản diện, trong đó có sử dụng hình tượng và chủ nghĩa phát xít. Các anime thuộc Universal Century rất dễ nhận ra vì các lực lượng Liên bang và Zeon mặc đồng phục rất đặc trưng.
Nên xem gì trước? Mobile Suit Gundam, khởi nguồn của toàn bộ loạt phim.
Các anime trong timeline này?Dưới đây là toàn bộ các anime thuộc Universal Century (UC), kèm theo lời bình những bộ nào đáng xem.



1. Mobile Suit Gundam: The Origin - UC 0068

Năm phát hành: 2015 - ?
Là gì? Câu chuyện về nguồn gốc của One Year War. Anime này kể về Char khi cậu vẫn còn là một đứa trẻ và những âm mưu chính trị đã tạo ra Cộng hòa Zeon.
Có đáng xem? Có.
Tại sao? Xây dựng một mặt rất con người và lôi cuốn về bộ máy chính trị, điều mà không được giải thích đầy đủ trong Mobile Suit Gundam.



2. Gundam MS IGLOO: The hidden One Year War - UC 0079

Năm phát hành: 2004
Là gì? Một DVD gồm 3 phần ra mắt năm 2004, xoay quanh đội kỹ thuật của Zeon và cuộc đua của họ trong việc tạo ra những công nghệ mà quân đội yêu cầu.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Đề cập đến một số nguyên nhân sâu xa tại sao Zeon thua trong cuộc chiến, nhưng không đáng xem. Phần hoạt họa CGI giống như một thử nghiệm kỳ quái trong toàn bộ loạt phim Gundam.



3. Mobile Suit Gundam - UC 0079

Năm phát hành: 1979
Là gì?  Bắt đầu từ phần giữa của One Year War, tập trung vào sự đối đầu giữa Amuro và Char, hai chiến binh mobile suit chủ chốt của Liên bang và Zeon.
Có đáng xem? Có.
Tại sao? Đây không chỉ là nền tảng của Universal Century, mà còn được xem là “ông tổ” của tất cả các anime Gundam. Nó giới thiệu khái niệm vũ khí “mobile suit” mà bất cứ phần nào trong Gundam cũng có. Gồm 43 tập và là anime điển hình thập niên 70, nó có thể sẽ hơi khó xem đối với các khán giả đương đại. Mobile Suit Gundam - The Movie Trilogy là một bộ phim tổng hợp lại 43 tập này.



4. Mobile Suit Gundam: The 08th MS Team - UC 0079

Năm phát hành: 1996 - 1999
Là gì?  Một câu chuyện ngoài lề trong One Year War kể về một đơn vị trên mặt trận Đông Á.
Có đáng xem?
Tại sao? Một ngoại truyện đầy ắp tính nhân văn. 08th MS kể về những chiến binh rất đời thường. Nếu như Mobile Suit Gundam phác họa công việc của những con át chủ bài và tướng lĩnh hàng đầu thì 08th MS cho ta một góc nhìn khác về những con người bình thường trong suốt thời kỳ chiến loạn.



5. Mobile Suit Gundam 0080: War in the Pocket - UC 0079-80

Năm phát hành: 1989
Là gì?  Một ngoại truyện trong One Year War, nhân vật chính là một đứa trẻ phải đối mặt với thảm họa chiến tranh đột nhiên ập đến.
Có đáng xem?
Tại sao? Phản ánh hiện thực chiến tranh mà không đạo lí khô khan. Chỉ gồm 6 tập phim, nhưng series này đáng xem đến từng phút.



6. Mobile Suit Gundam 0083: Stardust Memory - UC 0083

Năm phát hành: 1991 - 1992
Là gì?  Sau One Year War, Liên bang đột nhiên trở mặt. Chuyện gì đã xảy ra? Stardust Memory sẽ cho bạn câu trả lời.
Có đáng xem? Có lẽ.
Tại sao? Đây là tiền truyện của Zeta Gundam, thiết lập những điểm chính trong cốt truyện cho series tiếp theo. Gồm 13 tập phim, dù không xem bạn vẫn có thể hiểu được nội dung của Zeta, nhưng các fan khá là thích phần này vì có những màn action hoành tráng.



7. Mobile Suit Zeta Gundam - UC 0087

Năm phát hành: 1985 - 1986
Là gì? Tiếp nối các sự kiện trong Mobile Suit Gundam với nhân vật chính mới Kamille và một câu chuyện mới về Char.
Có đáng xem? Có.
Tại sao? Phê phán những chính sách thiếu sáng suốt của Liên bang sau trận chiến, xóa mờ ranh giới giữa thiện và ác, chuẩn bị cho một cuộc xung đột phức tạp sắp bùng nổ từ nhiều phe phái.



8. Mobile Suit Gundam ZZ - UC 0088

Năm phát hành: 1986 - 1987
Là gì?  Về những sự kiện ngay sau Zeta Gundam.
Có đáng xem? Không
Tại sao? Được đón nhận một cách nghèo nàn vì nó đã biến nội dung tăm tối của Zeta thành một màn hài kịch rỗng tuếch. Nó không được phát hành ngoài Nhật Bản nên cũng không quan trọng lắm.



9. Mobile Suit Gundam: Char's Counterattack - UC 0093

Năm phát hành: 1988
Là gì?  Một movie quay trở lại câu chuyện về Char và Amuro, hoàn thiện nốt arc của họ.
Có đáng xem? Có lẽ
Tại sao? Nhân vật chính không dễ ưa lắm nhưng lại xuất hiện với tần suất dày đặc, bộ phim chỉ được đánh giá ở tầm trung. Tuy nhiên, các fan trung thành của Gundam sẽ muốn xem để biết được cái kết.



10. Mobile Suit Gundam Unicorn - UC 0096

Năm phát hành: 2010 - 2014
Là gì? Chính thức bắt đầu vào UC 0001, một phần ngắn mở đầu cho câu chuyện chính. Xoay quanh hậu duệ cuối cùng của Cộng hòa Zeon, đánh một dấu mốc quan trọng trong Universal Century.
Có đáng xem?
Tại sao? Tốc độ ra tập mới siêu rùa bò suốt từ năm 2010 đến tận 2014 mới hết 7 tập, nhưng lại có chất lượng production value cao nhất trong toàn bộ series Gundam.


11. Mobile Suit Gundam Gundam F91 - UC 0123

Năm phát hành: 1991
Là gì? Cuộc chiến chống lại những kẻ xâm lược đến từ sao Mộc của các thuộc địa vùng biên giới.
Có đáng xem? Không
Tại sao? Theo dự tính ban đầu series này sẽ gồm 50 tập, sau đó rút ngắn còn 12 tập, cuối cùng thì thành movie luôn. Nhịp phim thực sự rất tệ. Ngoài ra nếu Mobile Suit Crossbone Gundam được phát sóng ở phương Tây (nếu may mắn) thì nhiều người sẽ thích, vì nó giải thích về nguồn gốc của những bộ suit giống cướp biển.



12. Mobile Suit Victory Gundam - UC 0153

Năm phát hành: 1993 – 1994
Là gì? Một phi công 13 tuổi phải điều khiển chiếc Victory Gundam chống lại Đế quốc hùng mạnh Zanscare.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Một trong những sai lầm lớn nhất là phần này không phù hợp với Universal Century. Đế quốc Zanscare không biết ở đâu nhảy ra, mốc thời gian thì hoàn toàn cách xa One Year War, và dường như không có bất cứ chi tiết gì liên quan đến timeline này.



13. G-Savior - UC 0223

Năm phát hành: 2000
Là gì? Chiến tranh giữa Trái đất và thuộc địa vì nạn đói.
Có đáng xem? Không (x1000 lần)
Tại sao? Bạn không bao giờ nên xem cái thứ này đâu. Một live-action diễn xuất quá nghèo nàn và cốt truyện tệ hại. Suốt cả một bộ phim mình còn chẳng tìm được cái gì để khen, nên thôi tốt nhất là quên nó đi. May mà phần này không được công chiếu ở phương Tây (mặc dù được quay ở Canada).




II. After Colony (Hậu thuộc địa)

Là gì? Giai đoạn này ra mắt vào những năm 95 ở Nhật và đầu thế kỷ 21 ở Mỹ. Nó được chiếu trên khung giờ Toonami của Cartoon Network và đã giúp anime mecha trở nên phổ biến với thế hệ khán giả phương tây mới.
Về nội dung? Cũng giống như Universal Century, chiến tranh nổ ra giữa Trái Đất và các thuộc địa không gian. Tuy nhiên, lần này người xem lại dễ đồng cảm với phe thuộc địa hơn. Mỗi thuộc địa không gian đều tự phát triển một mobile suit riêng (Gunpla bán tốt hơn). Cộng với sự xuất hiện của một kẻ thù đeo mặt nạ (aka Char), đây giống như kể lại Universal Century với chủ đề tương tự nhưng có sự thay đổi đáng kể. Mặc dù gọi là thời kỳ “hậu” thuộc địa (After Colony), nhưng những thuộc địa này không phải hoàn toàn tận diệt, mà đây là thời kỳ sau khi chúng được tạo ra.
Nên xem gì trước? Gundam Wing, nếu bạn nhất thiết cần xem trước.
Các anime trong timeline này?


14. Mobile Suit Gundam Wing

Năm phát hành: 1995 – 1996
Là gì? Năm nam phi công điều khiển các mobile suit ở tiền tuyến cuộc nổi loạn của các thuộc địa chống lại Trái đất. Theo mạch truyện, họ dần trở nên gắn bó và hợp tác với nhau, đồng thời tự tìm những lý do chiến đấu cho riêng mình.
Có đáng xem? Rất buồn khi phải nói ra điều này, nhưng câu trả lời là không.
Tại sao? Các con dân thời Toonami có lẽ từng rất yêu thích Gundam Wing, nhưng đó là vì chúng ta không biết bộ nào hay hơn. Nhịp độ không ổn định và plot đầy lỗ hổng, các fan lâu năm của Gundam Wing chắc hồi đó còn nhỏ tuổi.



15. Mobile Suit Gundam Wing: Endless Waltz

Năm phát hành: 1997
Là gì? Một movie tiếp nối các sự kiện trong Gundam Wing và tiết lộ thêm về những bộ suit được nâng cấp và hé lộ quá khứ của các phi công.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Mặc dù cốt truyện khá hơn hẳn so với Gundam Wing, nhưng khi tách riêng ra thì không hay lắm. Bạn sẽ phải xem hết 49 tập của series trước mới có thể hiểu được phần này.



III. Comic Era

Là gì? Timeline này ra mắt từ năm 2002 ở Nhật và 2004 ở các nước phương Tây. Đây là lần đầu tiên Gundam xây dựng những nhân vật với ngoại hình moe hiện đại hơn, mắt to, thân hình thướt tha, và những mobile suits cũng thanh lịch như vậy.
Về nội dung? “Naturals”, người Trái Đất chính gốc, phải đấu tranh vì quyền sống trước những người được biến đổi gen sống trong không gian được gọi là “Coordinators”. Phần này cũng có một kẻ thù đeo mặt nạ bí ẩn.
Nên xem gì trước?  Gundam Seed theo đúng thứ tự thời gian.
Những anime trong dòng timeline này?


16. Mobile Suit Gundam Seed

Năm phát hành: 2002 - 2003
Là gì? Một “Coordinators” trẻ chọn đồng minh với Trái Đất thay vì phe đồng loại. Cũng giống như công thức của Gundam Wing, năm chàng phi công hấp dẫn sẽ cần một khán giả nữ để cổ vũ tinh thần.
Có đáng xem? Có lẽ.
Tại sao? SEED có rất nhiều nét tương đồng với anime gốc Mobile Suit Gundam, nhưng tạo cảm giác mới mẻ hơn. Tuy nhiên, hội thoại lại rất khô cứng và khó có thể vượt qua bản gốc. Nhưng dù sao đây lại là một trong những phần có nhạc phim hay nhất trong toàn Gundam.



17. Mobile Suit Gundam Seed Destiny

Năm phát hành: 2004 – 2005
Là gì? Phần tiếp theo khá tăm tối sau sự kiện ở Gundam Seed. Nó cố gắng trở thành Zeta Gundam thứ hai của Mobile Suit Gundam SEED, nhưng không có cái nào thực sự hay cả.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Vừa u ám vừa tươi sáng nhưng không hề hài hòa. Những vụ nổ, cánh tay đầy máu rơi trên mặt đất, một đứa trẻ òa khóc. Chuyển cảnh: cảnh xuân nóng bỏng trên tàu chiến. Cái mệ gì vậy?



18. Mobile Suit Gundam Seed C.E. 73: Stargazer

Năm phát hành: 2006
Là gì? 3 tập, mỗi tập dài 20 phút chiếu trên web, kể về Phantom Pain – một nhóm các nhân vật phụ trong Gundam Seed Destiny.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Hầu như không liên quan đến cốt truyện chính, với cả cũng không có bản tiếng Anh.



19. Mobile Suit Gundam Seed MSV Astray

Năm phát hành: 2004
Là gì? Hai tập phim ngắn dài năm phút tóm tắt lại Stargazer.
Có đáng xem? Không.
Tại sao? Không được công chiếu và cũng chẳng nổi bật.





IV. Our Century (Kỷ nguyên của chúng ta)

Là gì? Đây là nhóm duy nhất trong toàn bộ series Gundam lấy bối cảnh cùng thời với người xem. Các nhân vật là người bình thường với những khả năng hết sức bình thường và là fan Gundam.
Về nội dung? Trong một tương lai không xa ở Trái Đất, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều tự tạo Gunpla – những mẫu Gundam bằng nhựa – và cho chúng đấu với nhau trên các đấu trường công nghệ cao để giải trí và kiếm lời. À, vẫn có kẻ thù đeo mặt nạ, nhưng chắc các bạn cũng đoán ra hết rồi.
Nên xem gì trước? Gundam Build Fighters.
Các anime trong timeline này?



20. Gundam Build Fighters

Năm phát hành: 2013 - 2014
Là gì? Hai người bạn lập nhóm để trở thành những Gundam Build Fighters giỏi nhất thế giới.
Có đáng xem? Có.
Tại sao? Câu chuyện này để quảng cáo trá hình cho đồ chơi Gundam, nhưng cốt truyện và nhân vật hấp dẫn đã tạo nên sức hút của nó. Trong này còn có nhiều parody, cameo và nhiều thứ liên quan đến các anime Gundam khác, nên tốt hơn là bạn không nên xem cái này trước.



21. Gundam Build Fighters Try

Năm phát hành: 2014 – 2015.
Là gì? Lần này thì là ba người bạn hợp tác để trở thành những Gundam Build Fighters giỏi nhất thế giới.
Có đáng xem?
Tại sao? Mặc dù không được đón nhận như phần trước nhưng Try là anime do fan Gundam làm dành riêng cho các fan Gundam. Niềm đam mê của những người sáng tạo bộ phim này đã làm tỏa sáng mọi cảnh phim.



V. One-shot Centuries (Các kỉ nguyên độc lập)

Là gì? Nhiều anime Gundam diễn ra trong timeline độc lập và hoàn toàn không liên quan gì đến các bộ Gundam khác – ngoại trừ mấy cái như là mobile suit và kẻ thù đeo mặt nạ. Bạn không cần xem các phần trước của Gundam thì vẫn có thể hiểu và theo dõi được phần này.
Nên xem gì trước? Gì cũng được, tất cả đều có cốt truyện độc lập. Có thể xem các phần anime dưới đây mà không cần tuân theo bất cứ trình tự nào cả.



22. After War - Gundam X

Năm phát hành: 1996.
Là gì? Trái đất giai đoạn Hậu khải huyền, một tên cướp trẻ tuổi đang vật lộn để sống sót. Nhưng sau khi gặp một cô gái bí ẩn, anh ta quyết định lái mobile suit để cứu cô ấy.
Có đáng xem? Có lẽ
Tại sao? Phần này vẫn chưa được hợp pháp hóa, nhưng với phiên bản tiếng Anh sắp tới và Gundam Build Fighters thúc đẩy việc quảng bá, đây có thể là sản phẩm vượt thời đại của những năm 90.


23. Future Century - Mobile Fighter G-Gundam

Năm phát hành: 1994 – 1995.
Là gì? Các thuộc địa không gian đồng ý tổ chức “Gundam Fights” trên chiến trường. Thuộc địa của người chiến thắng sẽ giành được quyền cai quản toàn bộ thuộc địa khác trong vòng 4 năm. Trong lúc đó, một đấu sĩ đến từ Nhật Bản đang trên hành trình tìm kiếm em trai.
Có đáng xem? Có lẽ.
Tại sao? Sẽ khá là vô trách nhiệm nếu đề cử một anime hoàn toàn phi thực tế, cường điệu hóa nhân vật và phóng đại các kỳ thị văn hóa (một số thứ khá là khó chịu). Tuy nhiên tiết tấu nhanh và những chi tiết giá trị của G-Gundam - ví dụ Mã Gundam được điều khiển bởi chính một con ngựa - lại được fan yêu thích ngoài mong đợi.



24. Anno Domini – Mobile Suit Gundam 00

Năm phát hành: 2007 – 2008.
Là gì? Ba phe phái tranh giành nhau nguồn tài nguyên có hạn. Để phá vỡ sự cân bằng quyền lực, một tổ chức thứ tư được gọi là Celestial Being đã chế tạo ra siêu vũ khí khổng lồ, đó chính là năm Gundam.
Có đáng xem? Không
Tại sao? Phần này hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng dần trở thành một mớ hỗn tạp vì các nhân vật không mấy dễ chịu và lỗ hổng plot Deus Ex Machina. Season đầu thì có thể tạm bỏ qua, nhưng season tiếp theo sẽ đẩy bạn xuống vực luôn. Tuy nhiên, nó vẫn thành công xứng đáng có một movie riêng Awakening of Trailblazer. Cái này cũng không đáng xem nốt.



25. Advanced Generation – Mobile Suit Gundam AGE

Năm phát hành: 2011 – 2012.
Là gì? Câu chuyện được kể ở ba đoạn thời gian, với nhân vật chính là Flit từ khi còn là một đứa trẻ, trưởng thành và về già với quả đầu không thể phá cách hơn được.
Có đáng xem? Không
Tại sao? Phần này được các fan rất kì vọng vì liên quan đến công ty video game Level 5. Thiết kế nhân vật rất tuyệt như mong đợi, nhưng anime này lại không tận dụng được cốt truyện giống game.



26. Regild Century - Gundam Reconguista in G

Năm phát hành: 2014 – 2015.
Là gì? Loài người bước vào thời kỳ hòa bình vũ trụ nhờ một tôn giáo anti công nghệ. Một chàng trai trẻ quyết định lái một mobile suit không rõ xuất xứ, và điều đó làm thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.
Có đáng xem? Không
Tại sao? Kể chuyện rất lộn xộn, chắc phải xem hết cả cái series này bạn mới hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Các nhân vật đổi phe liên tục và không có ai hành động có động cơ rõ ràng. Đây giống như sequel của một câu chuyện không hề tồn tại vậy.



27. Correct Century - Turn A Gundam

Năm phát hành: 1999 – 2000.
Là gì? Trái đất vẫn bình yên cho đến khi các cư dân định cư trên mặt trăng vốn đã bị lãng quên, nay lại bất ngờ quay trở về Trái đất.
Có đáng xem?
Tại sao? Với âm nhạc của Yoko Kanno và thiết kế mecha bởi Syd Mead, người đứng sau các thiết kế của Blade Runner, Aliens và Tron, thì đây là một trong những anime có phần hình ảnh và âm nhạc độc đáo nhất trong tất cả các anime Gundam. Không những thế, nó còn có nhân vật chính và cốt truyện nghiêm túc, dễ chịu, rất phù hợp với những ai muốn khám phá một thế giới mới.



Trên đây là những ý kiến của mình, và tất nhiên là chín người mười ý, khẩu vị của mình không thể giống tất cả các bạn được. Nhưng mình hy vọng bài viết này có thể góp phần định hướng cho bạn trên hành trình khám phá Gundam. Với 27 anime, chắc chắn sẽ có bộ nào đó trong đây làm bạn hài lòng.
Anime Gundam đầu tiên bạn từng xem là gì? Nếu bạn có thể quay ngược thời gian và bắt đầu lại từ đầu, bạn sẽ chọn phần nào trước? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Người dịch: Celery
*Mọi trích dẫn từ blog này xin vui lòng ghi rõ nguồn: http://toptenhazy.blogspot.com
Được tạo bởi Blogger.